Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Malaysia đạt 38.442 tấn, trị giá 56,16 triệu USD, tăng mạnh 433,5% về lượng và tăng 515,7% về giá trị so với năm 2023.
Đây cũng là khối lượng cao su xuất khẩu cao nhất sang thị trường này trong 6 năm qua, kể từ năm 2019. Kết quả này đưa Malaysia lên vị trí thứ 4 về thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 1,9%.
Về chủng loại, mủ cao su Latex chiếm đến 76,5% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Malaysia trong năm 2024, đạt 29.408 tấn, trị giá 42,26 triệu USD, trong khi năm 2023 Malaysia không nhập khẩu chủng loại này từ Việt Nam.
Ngoài ra, lượng cao su SVR 3L xuất khẩu sang thị trường này cũng tăng 1,2%, cao su tái sinh tăng 28,9%, SVR CV 60 tăng 12,3%, đặc biệt Skim block tăng đột biến 1.046%, cao su tổng hợp tăng 1.270%, RSS3 tăng 228,8%...
Ngược lại, lượng cao su SVR 10 và SVR 5 xuất khẩu sang thị trường này lại giảm lần lượt là 28,3% và 50,4%.
Malaysia là một trong những nhà sản xuất cao su lớn trên thế giới, với sản lượng trung bình 348.000 tấn cao su tự nhiên hàng năm. Tuy nhiên, quốc gia này cũng phải nhập khẩu cao su để bù đắp các khoảng trống thiếu hụt.
Hiện, Malaysia đã chuyển hướng sang ngành công nghiệp sản xuất theo sản phẩm, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm cao su như găng tay y tế và lốp xe, trong khi sản xuất cao su thô đã giảm dần qua các năm.
Bên cạnh găng tay và lốp xe, ngành công nghiệp cao su của Malaysia còn bao gồm sản xuất giày dép, các sản phẩm từ latex, các sản phẩm cao su thông dụng và nhiều linh kiện công nghiệp khác. Mỗi ngành yêu cầu chủng loại và chất lượng cao su cụ thể, điều này càng thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu.
Thống kê cho thấy, nhập khẩu cao su của Malaysia đã liên tục tăng trong 5 năm gần đây, từ 1 triệu tấn năm 2020 lên 1,22 triệu tấn vào năm 2023 và tăng 6,9% trong 11 tháng năm 2024.

Nguồn: Phương Ngọc/Báo Nông nghiệp Việt Nam