Ông Christian Chramer - Giám đốc điều hành của Hội đồng Hải sản Na Uy cho biết: xuất khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh trong nhiều tháng liên tiếp và xu hướng này tiếp tục diễn ra trong tháng 11/2024 do giá cá hồi, cá thu, cá tuyết, cá tuyết chấm đen và cá trích tăng, đây là mức cao nhất trong tháng 11 từ trước đến nay xét về mặt giá trị.
Ngược lại với những năm trước, xuất khẩu thủy sản không được hỗ trợ bởi đồng krone Na Uy yếu. So với tháng 11/2023, đồng krone Na Uy tăng nhẹ so với đồng euro, nhưng yếu hơn so với đồng đô la Mỹ. Nhìn chung, không có hiệu ứng tiền tệ, do đó, tăng trưởng giá trị chủ yếu được thúc đẩy bởi giá tăng và khối lượng tăng đối với một số loài quan trọng nhất.
Chi phí tăng và cạnh tranh toàn cầu gay gắt
Mặc dù xuất khẩu thủy sản của Na Uy ngày càng tăng về giá trị nhưng điều này không có nghĩa là dễ dàng cho các doanh nghiệp trong ngành. Về phía đánh bắt tự nhiên, nhiều người lo lắng về hậu quả của việc cắt giảm hạn ngạch mới, trong ngành đánh bắt trên đất liền, cuộc chiến giành nguyên liệu thô ngày càng gay gắt, trong khi nhiều công ty cá hồi đang gặp phải những thách thức sinh học lớn hơn khi nhiệt độ nước biển tăng. Khi điều này kết hợp với chi phí ngày càng tăng và cạnh tranh toàn cầu gay gắt hơn, nhiều người đồng thời phải đối mặt với tình hình tài chính khó khăn hơn.
Xuất khẩu tôm và cá hồi sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh
Như thường lệ, các nước trong khu vực EU mua thủy sản Na Uy nhiều nhất, đạt 10 tỷ NOK trong tháng 11/2024. Xuất khẩu thủy sản sang Châu Âu tăng rất mạnh, trong khi xuất khẩu sang Mỹ giảm nhẹ, xuất khẩu sang châu Á ngày càng tăng. Tháng 11/2024 cả tôm và cá hồi xuất khẩu sang Trung Quốc đều tăng trưởng mạnh.
Hướng tới kỷ lục xuất khẩu mới
Ông Christian Chramer cho biết: Trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Na Uy đạt 160,4 tỷ NOK, tăng 2,3 tỷ NOK, tương đương tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024 là một năm thuận lợi đối với xuất khẩu thủy sản của Na Uy. Giá tăng đã bù đắp phần lớn cho việc cắt giảm hạn ngạch đối với cá tuyết, cá trích và cá thu. Nếu xu hướng thuận lợi tiếp tục diễn ra trong tháng 12/2024, thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ vượt qua mức kỷ lục 172 tỷ NOK của năm 2023.
Xuất khẩu cá trích và cá thu tăng trưởng tốt
Cá hồi, cá trích và cá thu là những loài đã góp phần tăng trưởng giá trị xuất khẩu từ đầu năm đến nay.
Ông Christian Chramer cho biết: Mùa thu năm nay là thời điểm thuận lợi cho cá thu và cá trích. Trong ba tháng qua, giá các loài này đã đạt mức cao kỷ lục và nhu cầu rất cao ở các thị trường chủ đạo. Đồng thời, giá trị xuất khẩu cá hồi lần đầu tiên vượt 12 tỷ NOK vào tháng 11, duy trì là sản phẩm thủy sản xuất khẩu quan trọng nhất của Na Uy.
Xuất khẩu thủy sản tháng 11
Tháng 11/2024 Na Uy xuất khẩu thủy sản sang 113 quốc gia; trong đó các thị trường chủ yếu là Ba Lan, Mỹ và Hà Lan Trong đó, xuất khẩu sang Hà Lan tăng mạnh nhất, tăng 174 triệu NOK, tương đương 17% so với tháng 11/2023, khối lượng đạt 15.908 tấn, tăng 10%.
Xuất khẩu cá hồi Salmon đạt kỷ lục
Tháng 11/2024 Na Uy xuất khẩu 131.232 tấn cá hồi salmon, trị giá 12,1 tỷ NOK, tăng 3% về khối lượng, tăng 5% về giá trị so với tháng 11/2023; trong đó các thị trường chủ yếu là Ba Lan, Pháp và Hà Lan. Xuất khẩu sang Đức tăng trưởng giá trị cao nhất, tăng 34% so với tháng 11/2023, đạt 5.881 tấn.
Nhu cầu cá hồi ở Trung Quốc tăng
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá hồi tăng trưởng lớn thứ hai trong tháng 11, tăng 121 triệu NOK, tương đương 33%, đạt 490 triệu NOK. Na Uy là nhà cung cấp cá hồi tươi nguyên con lớn nhất cho Trung Quốc và chiếm thị phần khoảng 45%.
Xuất khẩu cá hồi hóa (trout) tăng trưởng
Tháng 11/2024 Na Uy xuất khẩu 6.595 tấn cá hồi hoa trị giá 592 triệu NOK,tăng 4% về khối lượng và tăng 6% về kim ngạch so với tháng 11/2023. Xuất khẩu chủ yếu sang Lithuania, Ukraine và Mỹ. Lithuania có mức tăng trưởng giá trị cao nhất, tăng 93%, đạt 1.142 tấn.
Xuất khẩu cá tuyết tươi giảm
Tháng 11/2024 Na Uy xuất khẩu 2.041 tấn cá tuyết tươi trị giá 137 triệu NOK, giảm 14% về khối lượng, giảm 2% về kim ngạch so với tháng 11/2023. Đan Mạch, Hà Lan và Latvia là thị trường tiêu thụ cá tuyết tươi lớn nhất trong tháng 11
Khối lượng xuất khẩu cá tuyết tươi đánh bắt tự nhiên giảm do sản lượng giảm. Khối lượng giảm 28% trong tháng 11, xuống còn 1.007 tấn, trong khi giá trị xuất khẩu giảm 13%, xuống 72 triệu NOK.
Đối với cá tuyết tươi nuôi, khối lượng xuất khẩu tăng 6% lên 1.033 tấn, trong khi giá trị xuất khẩu tăng 15% lên 65 triệu NOK. Cá tuyết nuôi chiếm 51% giá trị xuất khẩu cá tuyết tươi trong tháng 11.
Xuất khẩu cá tuyết đông lạnh giảm
Tháng 11/2024 Na Uy xuất khẩu 2.071 tấn cá tuyết đông lạnh trị giá 169 triệu NOK, giảm 60% về khối lượng và giảm 37% về kim ngạch so với tháng 11/2023. Trung Quốc, Anh và Việt Nam là thị trường tiêu thụ cá tuyết đông lạnh lớn nhất trong tháng 11. Xuất khẩu sang Mỹ tăng lớn nhất, tăng 185% về kim ngạch, khối lượng đạt 220 tấn, tăng 117%.
Xuất khẩu cá khô clipfish tăng
Tháng 11/2024 Na Uy xuất khẩu 7.596 tấn cá khô clipfish trị giá 685 triệu NOK, giảm 10% về khối lượng nhưng tăng 63 triệu NOK, tương đương 10% so với tháng 11/2023. Bồ Đào Nha, Brazil và Cộng hòa Dominica là những thị trường tiêu thụ cá clipfish lớn nhất trong tháng 11
Đối với cá tuyết khô (Saithe clipfish), khối lượng xuất khẩu giảm 27% xuống 3.635 tấn, trong khi giá trị xuất khẩu giảm 17% xuống 186 triệu NOK.
Đối với cá tuyết đen (Cod clipfish), khối lượng xuất khẩu tăng 25% lên 3.328 tấn, trong khi giá trị xuất khẩu tăng 29% lên 465 triệu NOK. Bồ Đào Nha có mức tăng trưởng giá trị cao nhất trong tháng 11, với giá trị xuất khẩu tăng 146 triệu NOK, tương đương 59% so với tháng 11/2023, khối lượng đạt 2.929 tấn, tăng 54%.
Ông Trond Rismo, đặc phái viên của Hội đồng Thủy sản Na Uy tại Bồ Đào Nha cho biết: “Bồ Đào Nha đã chứng kiến mức tăng lương mạnh hơn hầu hết các thị trường cá tuyết châu Âu khác trong những năm gần đây, điều này đã giúp duy trì nhu cầu về cá clipfish tại thị trường quan trọng này”.
Giá xuất khẩu cá clipfish saithe cao kỷ lục
Tính đến thời điểm này trong năm nay, khối lượng xuất khẩu cá tuyết clipfish chỉ thấp hơn 3% so với năm ngoái. Chuyên gia phân tích hải sản Eivind Hestvik Brækkan của Na Uy cho biết: “Tại Bồ Đào Nha, cho đến nay là thị trường lớn nhất của chúng tôi đối với cả cá tuyết clipfish và tất cả các loại cá tuyết khác, khối lượng giảm chỉ 1% so với cùng kỳ năm ngoái”. Tháng 11 giá xuất khẩu cá clipfish saithe cao nhất từ trước đến nay, đạt mức 51 NOK/kg, tăng 3 NOK/kg so với tháng kỷ lục trước đó là vào tháng 1/2023.
Xuất khẩu cá muối giảm khối lượng nhưng tăng giá trị
Tháng 11/2024 Na Uy xuất khẩu 1.530 tấn cá muối trị giá 143 triệu NOK, giá trị tăng 4 triệu NOK, tương đương 3%, nhưng khối lượng giảm 16% so với tháng 11/2023. Bồ Đào Nha, Italia và Tây Ban Nha là thị trường tiêu thụ cá muối lớn nhất trong tháng 11. Bồ Đào Nha có mức tăng trưởng giá trị cao nhất, tăng 6 triệu NOK, tương đương 7% so với tháng 11/2023. Khối lượng xuất khẩu sang Bồ Đào Nha đạt 818 tấn, giảm 15%.
Xuất khẩu cá stockfish (cá khô không muối) đạt kỷ lục
Tháng 11/2024 Na Uy xuất khẩu 526 tấn cá khô không muối trị giá 163 triệu NOK , tăng 54 triệu NOK, tương đương 50% so với tháng 11/2023, khối lượng tăng 29%. Xuất khẩu nhiều nhất sang Italia, Croatia và Mỹ. Đây là giá trị xuất khẩu cá stock cao kỷ lục chỉ trong một tháng. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu cá tuyết stockfish chiếm hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu cá stockfish của Na Uy. Xuất khẩu cá tuyết đạt 156 triệu NOK trong tháng 11. So với tháng 11/2023, khối lượng tăng 37% và giá trị tăng 49%. Giá xuất khẩu đạt kỷ lục 338 NOK/kg.
Xuât khẩu sang Italia tăng 24% về khối lượng, lên 288 tấn và giá trị tăng 33% đạt 101 triệu NOK cũng là mức cao kỷ lục.
Croatia có mức tăng trưởng giá trị cao nhất trong tháng 11, với giá trị xuất khẩu tăng 27 triệu NOK, tương đương 195%, so với tháng 11/2023, khối lượng đạt 118 tấn, tăng 171%.
Xuất khẩu cá trích tăng trưởng tốt
Tháng 11/2024 Na Uy xuất khẩu 40.437 tấn cá trích trị giá 809 triệu NOK, giá trị tăng 308 triệu NOK, tương đương 61% so với tháng 11/2023, khối lượng tăng 51%. Xuất khẩu nhiều nhất sang Ai Cập, Ba Lan và Belarus, đây là mức xuất khẩu cao nhất trong 1 tháng từ trước đến nay, cao hơn mức kỷ lục trước đó vào tháng 10/2021 đạt 724 triệu NOK. Giá trị xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu do khối lượng xuất khẩu cá trích đông lạnh nguyên con tăng và giá tiếp tục tăng cao.
Ai Cập từ lâu đã là thị trường tiêu thụ cá trích nguyên con đông lạnh lớn nhất của Na Uy, chiếm 30% tổng khối lượng xuất khẩu. Ở Ai Cập, cá trích, đặc biệt là cá trích hun khói, là sản phẩm hải sản chiếm ưu thế. Nguồn cung cá trích thấp do hạn ngạch đối với cá trích sinh sản vào mùa xuân ở Na Uy giảm đồng nghĩa với việc giá vẫn ở mức cao. Trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu cá trích đạt kỷ lục 3,8 tỷ NOK.
Xuất khẩu cá thu tiếp tục tăng
Tháng 11/2024 Na Uy xuất khẩu 44.061 tấn cá thu trị giá 1,3 tỷ NOK, giá trị tăng 155 triệu NOK, tương đương 14% so với tháng 11/2023, khối lượng giảm 9%. Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản là thị trường tiêu thụ cá thu lớn nhất. Giá xuất khẩu đạt kỷ lục 27,83 NOK/kg cao hơn 0,90 NOK/kg so với kỷ lục của tháng 10/2024 và giá cao hơn 24% so với tháng 11/2023, giá tăng do nguồn cung thấp
Tính chung 11 tháng năm 2024 xuất khẩu cá thu đạt kỷ lục mới 7,7 tỷ NOK. Kỷ lục trước đó đạt được vào năm 2023 ở mức 6,3 tỷ NOK, tăng 23%.
Xuất khẩu cua hoàng đế giảm
Tháng 11/2024 Na Uy xuất khẩu 89 tấn cua huỳnh đế trị giá 49 triệu NOK, giá trị giảm 51 triệu NOK, tương đương 51% so với tháng 11/2023, khối lượng giảm 57%. Mỹ, Italia và Đan Mạch là thị trường tiêu thụ cua huỳnh đế lớn nhất
Xuất khẩu cua huỳnh đế sống sụt giảm mạnh nhất, đạt mức 42 tấn, giảm 97 tấn, hay 70%, so với tháng 11/2023. Xuất khẩu cua huỳnh đế đông lạnh không giảm nhiều, đạt mức 47 tấn trong tháng 11, giảm 33% hay giảm 24 tấn. Xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của cua hoàng đế Na Uy, giảm 56% về giá trị và 62% về khối lượng trong tháng 11.
Italia là thị trường lớn thứ hai và trong tháng 11 cũng là thị trường có mức tăng trưởng giá trị cao nhất, với giá trị xuất khẩu tăng 3 triệu NOK, tương đương 85% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10 tấn, tăng 43%.

Nguồn: Vinanet/VITIC/euromeatnews