Năm 2019, Bộ NN&PTNT xác định đây là một ngành kinh tế quan trọng và phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5 - 6%; giá trị XK đồ gỗ và lâm sản đạt trên 10,5 tỷ USD.

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), năm 2018, Tổng cục Lâm nghiệp đã hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao; trong đó có một số nhiệm vụ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu (XK) lâm sản năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% của toàn ngành; giá trị xuất siêu đạt 6,99 tỷ USD. Thị trường XK lâm sản tập trung chủ yếu tại 5 thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87,33% kim ngạch XK lâm sản.

Đồng thời, cả nước thu hơn 2.859 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 122,7% kế hoạch năm 2018 và tăng 68% so với năm 2017.

"Đây là một nguồn thu quan trọng, góp phần tăng thu nhập cho người trực tiếp chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng", ông Điển nhấn mạnh.

Không những vậy, sau 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên Minh Châu Âu đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)...

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, ngành lâm nghiệp xác định là một ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, ngành này sẽ triển khai nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết, quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng.

Đồng thời tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng; chú trọng khuyến lâm, phát triển các nhà máy chế biến gắn với ứng dụng công nghệ mới và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, ngành phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5 - 6%; giá trị XK đồ gỗ và lâm sản đạt trên 10,5 tỷ USD.

Cùng với đó, ngành xác định tiếp tục thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đặc biệt là tổ chức nghiên cứu, thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các lĩnh vực mới có nhiều tiềm năng...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ là bước ngoặt của ngành, thực hiện được hiệp định này, cùng với Luật Lâm nghiệp là cơ sở đồng bộ để triển khai hình thành được ngành kinh tế lâm nghiệp bền vững.

"Luật Lâm nghiệp khác hẳn về bản chất so với Luật Bảo vệ và phát triển rừng trước đó. Từ đây, chúng ta bước sang thời kỳ xây dựng một ngành kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi từ trồng, phát triển, chế biến, thương mại để hình thành một chuỗi ngành hàng. Do đó, Tổng cục Lâm nghiệp phải tiếp tục hoàn thiện thể chế theo luật", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.

Công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn những điểm nóng về phá rừng gây dư luận không tốt trong xã hội. Cụ thể, trong năm 2018, tổng số vụ vi phạm đã được xử lý là 11.289 vụ, trong đó xử phạt hành chính 10.900 vụ, giảm 3.077 vụ so với năm 2017; xử lý hình sự 363 vụ tăng 51 vụ so với năm 2017; tịch thu 16.027 m3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách nhà nước 143 tỷ đồng...

Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn