Đặc biệt, nhập khẩu thịt lợn từ Tây Ban Nha sụt giảm mạnh và Brazil thay thế trở thành nhà cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Trung Quốc. Trong quý I/2024, Trung Quốc nhập khẩu nhiều phụ phẩm giết mổ hơn thịt lợn tươi và đông lạnh. Theo số liệu từ Tổng cục hải quan Trung Quốc, trong quý I/2024 lượng nhập khẩu phụ phẩm tăng 1,6% so với quý I/2023 lên 276.800 tấn. Nhập khẩu thịt lợn miếng giảm 275.000 tấn hay giảm 52,1% chỉ đạt 253.000 tấn; đây là mức thấp nhất tính theo quý trong nhiều năm. Nhìn chung, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, bao gồm cả phụ phẩm giảm 33,8% xuống còn 530.000 tấn. Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn do giá nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể giảm 914 triệu EUR hay giảm 46,3% xuống 1,06 tỷ EUR.
Brazil thay thế Tây Ban Nha trở thành nước cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Trung Quốc
Tại Trung Quốc, trong quý I/2024 thịt lợn không thực sự khan hiếm do nhu cầu hạn chế. Theo phân tích của hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm và Nông nghiệp Đan Mạch (L&F), trong quý I/2024 nhập khẩu thịt lợn từ thị trường Tây Ban Nha giảm 49,3% xuống còn 67.170 tấn so với quý I/2023. Thay vào đó, Brazil vươn lên là thị trường cung cấp thịt lợn hàng đầu cho Trung Quốc, với 70.660 tấn nhưng vẫn giảm 42%. Tiếp theo là Canada, Hà Lan và Mỹ với lượng xuất khẩu mỗi nước khoảng 18.000 tấn, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với phụ phẩm giết mổ lợn, Mỹ đứng đầu về cung cấp cho thị trường Trung Quốc với 78.640 tấn, tăng 2,4% so với quý I/2023, thị phần nhóm sản phẩm này tăng từ 22,6% trong quý I/2022 thì đã tăng lên 28,4% trong vòng hai năm. Bên cạnh đó, xuất khẩu phụ phẩm giết mổ ăn được từ Tây Ban Nha sang Trung Quốc cũng tăng 7,8% lên 58.420 tấn. Canada tăng trưởng mạnh nhất gần 57% lên 28.660 tấn. Mặt khác, xuất khẩu phụ phẩm giết mổ ăn được từ Đan Mạch sang Trung Quốc giảm 25% xuống còn 27.440 tấn. Pháp giảm 13%, Anh xuất khẩu tăng 10% lên 13.700 tấn.