Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Hậu Giang giá lúa có sự tăng/giảm tùy loại so với tuần trước như: IR 50404 là 6.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; trong khi đó OM 18 là 6.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; RVT là 8.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Giá lúa tại Đồng Tháp ghi nhận giảm 100 đồng/kg ở một số loại lúa như: IR 50404 còn 6.400 đồng/kg, OM 6976 còn 6.400 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa cũng ghi nhận giảm 100 đồng/kg ở một số loại, như: IR 50404 còn 5.600 đồng/kg, OM4218 là 5.700 đồng/kg; riêng OM 6976 vẫn giữ ổn định là 5.900 đồng/kg.
Giá lúa tại Cần Thơ vẫn có sự ổn định, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, một số loại lúa giá vẫn giữ ổn định như: ST 24 có giá 8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg, OM 5451 là 6.800 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nhìn chung giá lúa vẫn duy trì ổn định như: Nàng Hoa 9 từ 5.900 - 6.200 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg; OM 18 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.500 - 5.600 đồng/kg; riêng OM 5451 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động. Theo đó, gạo Hương lài giá 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài từ 18.000 - 19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thường từ 11.500 - 12.500 đồng/kg.
Theo các doanh nghiệp, chi phí sản xuất lúa tăng, trong khi đó khó khăn về logistics của doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khiến cho giá lúa doanh nghiệp thu mua của nông dân thấp.
Xuất khẩu gạo Việt Nam đã tạo dựng được vị thế quan trọng, có những bước tiến mạnh. Trong vòng 5 năm gần đây, xuất khẩu gạo đạt được nhiều thành quả xuất khẩu đối với chủng loại thơm và chủng loại gạo trắng. Ví dụ, Đài thơm 8, OM5451... có sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ.
Trong khi thị trường lúa trong nước ghi nhận sự giảm giá, trên thị trường gạo châu Á, giá gạo của Ấn Độ và Thái Lan cũng đi xuống do áp lực giảm giá của đồng rupee Ấn Độ và đồng baht Thái. Tại Bangladesh, lũ lụt trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ tuần này giao dịch ở mức từ 355 - 360 USD/tấn, giảm so với mức tư 357 - 362 USD của tuần trước. Ngày 22/6, đồng rupee giảm giá xuống mức thấp kỷ lục, với 78,39 rupee đổi 1 USD, giúp làm tăng tỷ suất lợi nhuận của các nhà xuất khẩu. Hiện nay, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ đang rất cao do giá cả cạnh tranh hơn các nước xuất khẩu gạo khác.
Trong khi đó, tại Bangladesh, lũ lụt đã làm thiệt hại 75.000 ha trồng lúa. Quốc gia từng một trong những nước sản xuất gạo lớn trên thế giới này đang phải dựa vào nhập khẩu gạo Ấn Độ để đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực do thiên tai gây ra.
Về phía Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này giảm xuống từ 420 - 425 USD/tấn từ mức từ 430 - 440 USD/tấn trong tuần trước do đồng baht suy yếu. Đồng baht hiện giao dịch gần mức thấp nhất trong 5 năm rưỡi so với đồng USD. Một thương lái ở Bangkok nhận xét, giá gạo giảm do đồng baht yếu đi trong khi nhu cầu không còn sôi động, đồng thời giá dầu cao hơn đã làm tăng chi phí vận chuyển.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng giảm xuống từ 418-423 USD/tấn từ mức từ 420 - 425 USD ghi nhận trong tuần trước.

Nguồn: Bích Hồng - Mai Ly (TTXVN)