Tăng sản phẩm chế biến
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong khi các thị trường lớn như Mỹ, EU mở cửa trở lại và tăng mạnh nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam thì việc Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm tra virus corona đối với hàng thuỷ sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước khiến cho XK thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này giảm liên tiếp trong 2 tháng qua. Cụ thể, từ tháng 4/2021, XK thuỷ sản sang Trung Quốc giảm 11%, sang tháng 5 tiếp tục giảm sâu hơn, với mức giảm 22%. Trong đó, XK giảm sâu ở tất cả các nhóm sản phẩm chính: tôm giảm 35%, cá biển khác (trừ cá ngừ) giảm 23%, cá tra giảm 5%.
Tính đến hết tháng 5, XK tôm sang Trung Quốc giảm 19%, đạt 137 triệu USD, chiếm 34% giá trị XK thuỷ sản sang thị trường này. Cá tra đã vượt tôm, chiếm 41% đạt 165,5 triệu USD, tăng nhẹ 2%. XK các loại cá biển giảm 5% đạt gần 70 triệu USD và chiếm 17% tổng XK thuỷ sản. Những mặt hàng có mức tăng trưởng cao là cá ngừ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ (tăng lần lượt 60% và 20%) nhưng lại chiếm tỷ trọng kim ngạch rất nhỏ, dưới 1%.
Tác động của đại dịch Covid và động thái của Trung Quốc đã tạo ra 2 xu hướng rõ nét trong XK thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này, đó là kim ngạch các sản phẩm tươi, đông lạnh giảm mạnh, XK hàng khô, hàng chế biến tăng.
Theo đó, XK tôm sú tươi, sống, đông lạnh giảm sâu 25% trong tháng 5 và giảm 26% trong 5 tháng đầu năm đạt 46 triệu USD, trong khi tôm sú chế biến tăng 278% đạt 1,4 triệu USD.
Những năm trước đây, tôm sú thường chiếm tỷ trọng cao trong tổng XK tôm sang Trung Quốc (90-94%) nhưng đến năm 2020 chỉ còn chiếm 25%, đổi lại là sự gia tăng của tôm chân trắng và tôm biển, trong đó tôm chân trắng chiếm 39% và tôm biển chiếm 36%. 5 tháng đầu năm nay, tôm sú chiếm 35% tổng XK tôm sang Trung Quốc.
Vì sao xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm sâu?
Không để đứt gãy sản xuất
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt hàng nhập khẩu, ngoài lý do liên quan đến Covid-19 còn có nguyên nhân nội tại, đó là XK thuỷ sản của chính Trung Quốc cũng sụt giảm vì Covid-19 và vì chiến tranh thương mại với Mỹ - thị trường nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Do đó, theo một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc muốn người tiêu dùng, nhà chế biến thuỷ sản nước này tập trung tiêu thụ nguồn nguyên liệu trong nước.
Từ tháng 7/2020 đến nay, Trung Quốc liên tục thông báo phát hiện dấu vết virut corona trong bao bì thuỷ sản nhập khẩu, sau đó là lệnh đình chỉ nhập khẩu đối với các công ty xuất khẩu có liên quan, chủ yếu là tôm từ các nước Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… và cá hồi, cá minh thái từ Nga.
Những tháng đầu năm nay, nhập khẩu cá minh thái của Trung Quốc giảm 83% đạt mức 64 nghìn tấn, do tình trạng trì trệ tại Đại Liên và Thanh Đảo - hai trung tâm chế biến thủy sản lớn của Trung Quốc - chế biến khoảng 40% tổng số cá minh thái thành phẩm trên toàn cầu, chủ yếu để xuất khẩu.
Tình trạng này dẫn đến thiếu hụt sản phẩm cá minh thái chế biến trên thị trường Mỹ và châu Âu trong năm nay. Đây có thể là cơ hội cho cá tra Việt Nam, bù đắp cho thiếu hụt nguồn cá thịt trắng trên thị trường EU và thị trường Mỹ.
Ngoài ra, khó khăn của ngành chế biến Trung Quốc có thể dẫn đến sự chuyển dịch hoạt động gia công chế biến cá thịt trắng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đang gia công, chế biến cá minh thái xuất khẩu đi Nhật Bản và Mỹ với giá trị 22 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, chế biến XK cá tuyết đi châu Âu, Anh, Mỹ, Canada với gần 20 triệu USD.
Mới đây, cảng Trạm Giang, một cảng trung chuyển hàng hoá lớn của Trung Quốc thông báo ngừng thông quan thuỷ sản từ Việt Nam và 10 nước châu Á từ ngày 20/6-15/7. Đây thực sự là một "tiếng chuông cảnh báo" với Việt Nam khi mà diễn biến Covid-19 trong nước đang phức tạp.
Trong hơn 1 năm qua, Việt Nam được các nhà nhập khẩu thế giới tìm đến như là một nguồn cung cấp thuỷ sản tin cậy, vì kiểm soát dịch Covid-19 tốt, sản lượng sản xuất và chế biến ổn định, chất lượng đảm bảo, trong khi Ấn Độ, Thái Lan và một số nước sản xuất khác bị ảnh hưởng nặng nề.
Việt Nam sẽ phát huy tốt các cơ hội và lợi thế nếu nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19, tránh để lây lan ở các khu công nghiệp nhất là tại các nhà máy chế biến thuỷ sản. Vì thông báo của cảng Trạm Giang cũng có thể là “khởi đầu” cho các cảng khác hoặc các nước khác có động thái tương tự với hàng xuất khẩu của Việt Nam, nếu chúng ta không nhanh chóng ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát.
Trước tình hình này, VASEP cho rằng, việc triển khai sớm và nhanh tiêm phòng vắc xin cho công nhân, người lao động tại các nhà máy chế biến thuỷ sản là rất cấp bách để doanh nghiệp ổn định, yên tâm duy trì sản xuất, xuất khẩu.

Nguồn: haiquanonline.com.vn