Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung ứng giống, nuôi cá tra thương phẩm đến chế biến, xuất khẩu; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin.
Dự báo sản lượng năm 2024 tăng
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, dưới tác động của lạm phát và bất ổn chính trị, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn. Ước năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700ha (bằng 98% năm 2022); sản lượng khoảng 1,61 triệu tấn (tương đương cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, chỉ bằng 75% so năm 2022.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2023 đều có xu hướng giảm: Trung Quốc giảm 21,8%, Hoa Kỳ giảm 53,1%, EU giảm 17,2%... Thị trường Đức, Anh, Brazil, Saudi Arabia tăng trưởng dương nhưng đây là những thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ. Mặc dù giảm sâu so với năm 2022 tuy nhiên tính đến thời điểm này so với các năm trước đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2023 vẫn tăng 26% so năm 2021 và tương đương với năm 2020; so với giai đoạn trước dịch năm 2019 chỉ giảm 4%. Điểm khác biệt của năm 2023 chính là chưa thấy dấu hiệu rõ ràng về sự phục hồi ở thời điểm quý 3, 4 là thời điểm mua hàng mạnh của năm..
Theo VASEP, nhu cầu yếu tại các thị trường là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2023 cộng thêm xu hướng giá xuất khẩu giảm liên tục đã khiến cho không chỉ tổng sản lượng mà cả kim ngạch xuất khẩu cá tra liên tục sụt giảm. Các nhà nhập khẩu cá tra ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, CPTTP... có xu hướng giảm lượng tồn kho thông qua việc giảm nhập khẩu để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước. Một số quốc gia láng giềng đã phát triển sản xuất cá tra nên giảm nhập khẩu từ Việt Nam.
Sản phẩm cá tra còn đơn điệu, sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng nhỏ nên chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn. Trong khi đó công đoạn giống, nuôi thương phẩm, thức ăn vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70-80%) trong giá thành sản xuất cá tra. Đáng chú ý, một số cơ sở sản xuất giống cá tra chưa tuân thủ đúng thời hạn sử dụng cá bố mẹ, tỷ lệ sống giai đoạn ương dưỡng còn thấp; một số địa phương chưa thực hiện cấp Giấy xác nhận nuôi cho các cơ sở nuôi nhỏ lẻ theo quy định. Cùng với đó, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho một số dòng sản phẩm cá tra, thay vào đó vẫn đang chú trọng cạnh tranh bằng giá bán hơn cạnh tranh bằng chất lượng,…
Cá tra là loài cá đặc trưng và được coi là thương hiệu của Việt Nam, từ năm 2015 trở về trước, sản lượng cá tra nuôi tại Việt Nam luôn chiếm trên 99% sản lượng cá tra nuôi của toàn thế giới. Tuy nhiên, một số quốc gia trên thế giới cũng nhìn thấy tiềm năng này và bắt đầu nuôi con cá tra như Ấn Độ, Indonesia,... Nhiều nước đang đầu tư và mở rộng diện tích nuôi cá tra, đang đe dọa đến vị thế của Việt Nam đối với loài thủy sản này, Việt Nam đã không còn vị thế “độc quyền” về cá tra. Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay Indonesia đã nuôi và thu hoạch 0,6 triệu tấn cá tra/năm, đã xuất khẩu sản phẩm cá tra sang Trung Đông, Nhật Bản, Myanmar… Bên cạnh đó, Trung Quốc và Bangladesh cũng đã bắt đầu nuôi được cá tra. Những điều này đều có tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu và tăng sự cạnh tranh đến cá tra Việt Nam.
“Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu quả quan hơn ở một số thị trường như Trung Quốc, Mexico, Canada, Braxin, Anh. Dự báo sản lượng cá tra năm 2024 sẽ tăng 2,8% so với năm 2023. Lạm phát toàn cầu có khả năng được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý 2/2024. Sản lượng thu hoạch trong 2 quý đầu năm 2024 dự báo không cao như kỳ vọng. Tuy nhiên, với đà phục hồi như hiện nay, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong quý 1, 2/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu”, đại diện Cục Thủy sản cho biết thêm.
Nâng cao sức cạnh tranh cho cá tra
Năm 2024, ngành cá tra đặt mục tiêu diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt được kết quả trên, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp cùng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng (khả năng kháng bệnh, tỷ lệ fillet, mùi vị sản phẩm, tỷ lệ đạm, mỡ trong sản phẩm, khả năng chịu mặn…) theo nhu cầu thị trường; áp dụng công nghệ vắc xin phòng bệnh, di truyền phân tử…, để nâng cao chất lượng giống cá tra. Tiếp tục bổ sung, thay thế đàn cá tra bố mẹ được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh cho các cơ sở sản xuất giống theo nhu cầu, bảo đảm cung ứng đủ con giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm, hạ giá thành sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất giống, đặc biệt là các cơ sở ương dưỡng giống cá tra và xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định.
Cùng với đó, khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung ứng giống, nuôi cá tra thương phẩm đến chế biến, xuất khẩu; cắt giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh; cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm theo các phân khúc thị trường khác nhau, đặc biệt quan tâm sản phẩm chế biến sẵn…, để nâng cao giá trị từ cá tra.
“Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện các quy định về chứng nhận cho sản phẩm cá tra theo yêu cầu của các thị trường quốc gia Hồi giáo (Halal), các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cần quan tâm mở rộng thị trường trong nước, hướng tới các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học; mở rộng thị trường” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Nguồn: Haiquanonline