Tiếp tục phát huy các hoạt động phát triển bền vững đã triển khai thành công trong 4 năm qua, thông qua Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn 2050, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã đặt mục tiêu phát triển bền vững với tăng trưởng xanh là trụ cột.
Theo đó, các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn đã và đang lấy sản xuất, kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình. Từ việc sản xuất thân thiện môi trường, đầu tư bài bản vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất, đến ủng hộ các hoạt động xã hội, chung tay vì lợi ích cộng đồng. Đồng thời góp phần quan trọng vào thực hiện chống biến đổi khí hậu, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các bon trong dài hạn.
Với vai trò tiên phong và điển hình trong việc phát triển bền vững ngành cao su, thời gian qua, Tập đoàn đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các giải pháp công nghệ mới song hành để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn, nhanh hơn. Đặc biệt, trong lộ trình thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, giảm lượng khí thải từ nguyên vật liệu nông nghiệp thông qua việc áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh là một trong những điều quan trọng mà VRG đang theo đuổi.
Viết tiếp hành trình phát triển bền vững với nhiều bước tiến, Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2030 có 60% diện tích cao su đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững (QLRBV) quốc gia và quốc tế VFSC, PEFC, FSC… Đến năm 2050 có 100% diện tích cao su đạt chứng nhận QLRBV và 100% nhà máy sản xuất mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
Đến nay, toàn Tập đoàn có 32 công ty thành viên đã xây dựng Phương án QLRBV đạt 279.303,78 ha. 18 thành viên được cấp chứng chỉ QLRBV theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC-FM) trên 118.336,86 ha rừng cao su. Tập đoàn có 37 nhà máy chế biến (bao gồm nhà máy chế biến mủ cao su, gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su) được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC.
Trong quá trình hoạt động, VRG luôn kiên định trên hành trình phát triển bền vững khi xây dựng chiến lược “xanh” làm nền tảng, gắn liền với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội - Bảo vệ môi trường. Những nỗ lực liên tục vì môi trường, kinh tế và xã hội giúp các công ty trực thuộc Tập đoàn nhiều năm liền được vinh danh Top 100 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI). Năm 2019, Tập đoàn có 10 đơn vị được công nhận trong Top 100 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam. Đến năm 2020 tăng lên 14 đơn vị, năm 2021 có 20 đơn vị, năm 2022 có 18 đơn vị và năm 2023 có 18 đơn vị.
VRG hiện có 101 công ty con và 16 công ty liên kết, sản xuất kinh doanh 5 ngành nghề chính: Trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ; sản phẩm công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổng diện tích cao su của Tập đoàn là 407.800 ha, gồm trong nước gần 293.250 ha, Vương quốc Campuchia gần 87.892 ha và Cộng hòa DCND Lào trên 26.661 ha. Tập đoàn có 59 nhà máy và xưởng chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế 636.400 tấn/năm.
VRG đang duy trì việc làm ổn định cho hơn 83 nghìn lao động với thu nhập bình quân 8,24 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số trên 20.500 người, lao động Lào – Campuchia trên 21.500 người. Các chế độ, chính sách của người lao động của VRG luôn được thực hiện đảm bảo và kịp thời.
Năm 2024, VRG đề ra kế hoạch doanh thu và thu nhập khác đạt 24.999 tỷ đồng (cao hơn 2,1% so với năm 2023); lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng (cao hơn 2,2% so với năm 2023); lợi nhuận sau thuế 3.437 tỷ đồng (cao hơn 0,9% so với năm 2023). Trong quý 1, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 5.003 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 997 tỉ đồng.

Nguồn: Sơn Trang/Báo Nông nghiệp Việt Nam