Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông Lương là thước đo sự thay đổi giỏ ngũ cốc, hạt có dầu, sản phẩm sữa, thịt và đường đạt trung bình 97,9 điểm trong tháng 9/2020 so với mức điều chỉnh giảm 95,9 điểm trong tháng 8/2020. Con số trong tháng 8/2020 là 96,1 điểm.
FAO có trụ sở tại Rome cũng cho biết trong 1 tuyên bố rằng, vụ thu hoạch ngũ cốc toàn cầu vẫn đạt mức cao kỷ lục năm 2020, ngay cả khi dự báo trước đó cắt giảm.
Chỉ số giá ngũ cốc của cơ quan này trong tháng 9/2020 tăng 5,1% so với tháng 8/2020 và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá lúa mì tăng cao được thúc đẩy bởi thời tiết xấu, trong bối cảnh lo ngại về triển vọng sản lượng tại khu vực nam bán cầu, cũng như thời tiết khô ảnh hưởng đến hoạt động gieo trồng lúa mì vụ đông tại châu Âu, FAO cho biết.
Giá ngô, lúa miến và lúa mạch tăng, trong khi giá gạo giảm 1,4% so nhu cầu giảm.
Chỉ số giá dầu thực vật trong tháng 9/2020 tăng 6% nhờ phần lớn giá dầu cọ, hạt hướng dương và dầu đậu tương tăng lên mức cao nhất 8 tháng.
Chỉ số giá sữa thay đổi nhẹ trong tháng 9/2020, với mức tăng khiêm tốn đối với bơ, pho mát và sữa bột tách béo bù đắp sự suy giảm giá sữa bột nguyên kem.
Giá đường trung bình trong tháng 9/2020 giảm 2,6% so với tháng 8/2020, do sản lượng toàn cầu niên vụ 2020/21 dư thừa.
Chỉ số giá thịt trong tháng 9/2020 giảm 0,9% so với tháng 8/2020 và giảm 9,4% so với tháng 9/2019, khi giá thịt lợn giảm trở lại do Trung Quốc cấm nhập khẩu từ Đức sau khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
FAO điều chỉnh giảm dự báo ngũ cốc năm 2020 thêm 2,5 triệu tấn, cho thấy sản lượng ngũ cốc toàn cầu giảm.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn dự kiến vụ thu hoạch ngũ cốc trong năm nay đạt mức cao kỷ lục 2,762 tỉ tấn, tăng 2,1% so với năm 2019.
Dự báo tiêu thụ ngũ cốc toàn cầu năm 2020/21 đạt 2,744 tỉ tấn, giảm 2,8 triệu tấn kể từ tháng 9/2020, song vẫn cao hơn 54,5 triệu tấn ước tính năm 2019/20. Dự báo dự trữ ngũ cốc toàn cầu năm 2021 đạt 890 triệu tấn, giảm 5,9 triệu tấn so với ước tính trước đó song vẫn đạt mức cao kỷ lục.

Nguồn: VITIC/Reuters