Xuất khẩu sản phẩm GTGT
Cuối tháng 4/2024, gần 40 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu (XK) thuỷ sản Việt Nam đã mang loạt sản phẩm chế biến sâu giới thiệu với các đối tác nước ngoài thông qua Triển lãm Thuỷ sản Toàn cầu 2024 tại Tây Ban Nha.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các sản phẩm tôm, cá tra ăn liền được các doanh nghiệp chế biến thành nhiều món ăn phong phú, đa dạng đã thu hút nhiều khách tham quan thưởng thức ngay tại các gian hàng. Các sản phẩm chế biến rất phong phú, phối trộn với nhiều nguyên liệu được khách hàng đánh giá cao.
Biến động thị trường những năm qua cho thấy, lựa chọn chiến lược kinh doanh hàng chế biến GTGT sẽ phù hợp hơn cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Do vậy, đang có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng XK chủ lực.
Trong XK sản phẩm cá tra quý I năm nay, trong khi XK cá tra phile đông lạnh giảm 5%, thì XK sản phẩm cá tra chế biến GTGT tăng 16% và XK cá tra khô tăng gần 9%. Đáng lưu ý là 2 dòng sản phẩm phụ là bong bóng cá tra và snack da cá lại ghi nhận mức tăng khả quan.
Trong đó, XK bóng bóng cá tra đạt 19,4 triệu USD, tăng 17%, với thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc chiếm 79%.
Tương tự như vậy, sản phẩm tôm XK quý I năm nay cũng tập trung tăng trưởng vào dòng sản phẩm tôm bỏ đầu, chừa đuôi. Đối với cá ngừ, dòng sản phẩm đóng hộp có mức tăng trưởng mạnh nhất, tăng 48% so với cùng kỳ.
Tại các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, sản phẩm GTGT là lợi thế của Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, mặc dù xuất khẩu thủy sản sang EU nói riêng và các thị trường khác nói chung đều sụt giảm mạnh trong năm 2023, nhưng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Quý I/2024, XK thủy sản Việt Nam sang EU đạt 210 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ với EU chiếm 10,8% tỷ trọng trong tổng XK thủy sản của Việt Nam. XK tôm Việt Nam sang EU đạt 81 triệu USD trong quý đầu năm nay, giảm 9% so với cùng kỳ. Đức, Hà Lan, Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong khối.
Qua đó cho thấy EU từ lâu vẫn luôn một trong những là thị trường truyền thống của thủy sản Việt Nam từ lúc sơ khai cho đến nay. Do đó, việc duy trì sự hiện diện của thủy sản Việt Nam tại Triển lãm Thủy sản toàn cầu luôn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp.
Thích ứng từng thị trường
Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh tùy từng thị trường các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cung ứng sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chẳng hạn, với thị trường Trung Quốc, mặt hàng thủy sản sống lại có tiềm năng hơn.
Trong quý I năm nay, Trung Quốc đang tăng nhu cầu đối với tôm hùm, cua sống, cá chẽm, cá mắt kiếng, mực nang, mực ống đông lạnh của Việt Nam. Sự quan tâm của người tiêu dùng Trung Quốc đối với hải sản sống nhập khẩu mang lại cơ hội sinh lợi cho các nhà XK. Đặt biệt, các mặt hàng có giá trị cao như tôm hùm, cua hoàng đế, cua xanh đang có nhu cầu cao sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp gia tăng thị phần tại thị trường tỷ dân này.
Theo đánh giá của VASEP, Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường quyết định sự tăng trưởng của thủy sản Việt Nam trong 2 năm gần đây. Đặc biệt, trong quý I/2024, XK thủy sản sang Trung Quốc và Mỹ đều tăng khả quan nhờ nhu cầu tăng cao.
Top 3 thị trường Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc – Hồng Kông chiếm gần 50% trong tổng kim ngạch XK thủy sản 1,95 tỷ USD trong quý I/2024.
Điểm sáng XK mặt hàng chủ lực cá tra từ thị trường UAE. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 3 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang thị trường này đạt hơn 7 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. UAE chủ yếu nhập khẩu sản phẩm phile đông lạnh từ Việt Nam với hơn 2 triệu USD trong tháng 3/2024, tăng 51% so với tháng 3/2023 và tăng 81% so với tháng trước đó. Sản phẩm này chiếm đến 93% tỷ trọng trong tổng XK cá tra Việt Nam sang UAE. Quý I/2024, thị trường này nhập khẩu gần 7 triệu USD cá tra phile đông lạnh của Việt Nam, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dư địa XK cá tra sang khu vực này vẫn tốt khi dân số tại UAE ngày càng tăng, thu nhập của người dân cao và tốc độ đô thị hóa nhanh. Thu nhập khả dụng tăng và giới trẻ ưa chuộng protein thủy hải sản cùng với các chuyến du lịch dự báo sẽ thúc đẩy tiêu thụ thủy hải sản ngày càng tăng.
Hiện nay, lạm phát, tồn kho vẫn tiếp tục tác động đến tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của nhiều thị trường. Bên cạnh đó, còn nhiều thách thức, rào cản của năm 2024 đang ảnh hưởng đến sản xuất xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như thẻ vàng IUU đối với hải sản khai thác, thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm XK sang Mỹ, căng thẳng biển Đỏ làm tăng cước vận tải biển…

Nguồn: Haiquanonline