Môi trường kinh tế vĩ mô và giá lương thực nói chung cho thấy có thể có những cải thiện về nhu cầu đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm ở hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, triển vọng vẫn có mức độ không chắc chắn, liên quan đến các hiện tượng thời tiết, xung đột địa chính trị và dịch bệnh ở động vật và thực vật.
Theo Báo cáo của Ủy ban Châu Âu, dự báo ngắn hạn về thị trường nông sản EU đang có dấu hiệu ổn định. Lạm phát lương thực đã giảm và giá lương thực vẫn tương đối ổn định trong những tháng qua đối với hầu hết các sản phẩm, mặc dù cao hơn trung bình 32% so với năm 2020. Nhu cầu tăng đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm có thể được hỗ trợ bởi GDP dự kiến của EU tăng trưởng và lạm phát vừa phải ổn định.
Thị trường phân bón EU cũng đang dần ổn định, xuất nhập khẩu trở lại bình thường và sản xuất trong nước có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, giá phân bón cao vẫn là mối lo ngại của nông dân, chủ yếu là do giá nông sản giảm. Năng suất trồng trọt ở các khu vực của Châu Âu năm 2024 giảm có thể làm giảm thu nhập của nông dân, do đó có khả năng ảnh hưởng đến việc giảm lượng mua phân bón vào mùa xuân năm 2025.
Sản lượng thịt bò của EU
Việc điều chỉnh cơ cấu liên tục khiến sản lượng thịt bò của EU năm 2024 dự kiến giảm 0,5% và năm 2025 giảm 1%. Bất chấp nguồn cung hạn hẹp, xuất khẩu thịt của EU vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Tiêu thụ thịt bò bình quân đầu người của EU năm 2024 giảm 1,7% và dự kiến sẽ giảm thêm 1,2% vào năm 2025. Sản lượng thịt lợn đang phục hồi ở một vài nước EU, nhưng nhìn chung, sản lượng thịt lợn của EU năm 2024 dự kiến sẽ giảm nhẹ 0,5% vào năm 2024 và giảm 0,2% vào năm 2025. Nhu cầu của Trung Quốc giảm có thể làm xuất khẩu của EU năm 2024 giảm 2,5%. Dự kiến, đến năm 2025, mức giảm tiếp theo là 2% so với năm 2024. Ngành gia cầm EU đang chứng kiến triển vọng thị trường khá tốt trong năm 2024, với sản lượng tăng trưởng 4% và xuất khẩu tăng 3%. Năm 2025, sản xuất có thể tăng 0,9% và xuất khẩu tăng 2%. Mức tiêu thụ bình quân đầu người của EU dự kiến sẽ tăng trong năm 2024 và năm 2025. Sự không chắc chắn về tỷ lệ nhiễm cúm gia cầm HPAI ở Châu Âu và Châu Mỹ vẫn là mối lo ngại lớn đối với ngành. Đàn cừu ở EU thấp kỷ lục đã đẩy tỷ lệ giết mổ năm 2024 giảm 4,9%. Dự kiến, đến năm 2025, mức giảm thêm 1% so với năm 2024. Nhu cầu ổn định và giá trong nước cao khiến nhập khẩu năm 2024 tăng 2%, trong khi xuất khẩu thịt giảm thêm 10% do thiếu khả năng cạnh tranh. Nhìn chung, mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người của EU dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm 2024 lên 66,8kg (tăng 0,8% so với năm trước) và sẽ ổn định vào năm 2025.
Sản xuất thịt bò của EU năm 2024 ổn định
Sản lượng thịt bò của EU tăng 3% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do hoạt động giết mổ ở Italia (+9%) và Ba Lan (+20%) tăng mạnh. Sự gia tăng này có thể có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như điều kiện chăn thả kém ở Trung Âu và nhu cầu ngày càng tăng ở một số thị trường xuất khẩu nhất định (Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, sản lượng thịt bò dự kiến sẽ giảm nhẹ (-0,5%) do thiếu bò con ở một số nước EU (như Italia và Estonia). Nguồn cung thịt bò hạn hẹp tiếp tục hỗ trợ giá thịt bò của EU tăng. Năm 2025, xu hướng sản lượng thịt bò dự kiến sẽ tiếp tục giảm (-1%) so với năm 2024 do đàn bò giảm. Giá thịt bò vẫn ở mức cao do nguồn cung hạn hẹp, mức tiêu thụ thịt bò bình quân đầu người của EU năm 2024 dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống 9,6 kg (giảm 1,7% so với năm trước).
Xuất khẩu thịt bò tăng, nhập khẩu giảm
Mặc dù nguồn cung hạn chế, xuất khẩu thịt bò của EU vẫn tăng trong nửa đầu năm 2024 (tăng 41.600 tấn hoặc tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023). Xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh nhất, tăng 28.100 tấn, bên cạnh việc tăng trưởng xuất khẩu sang Algeria, Thụy Sĩ và Philippines. Đến cuối năm 2024, xuất khẩu thịt bò của EU dự kiến sẽ tăng 10% so với năm trước, xuất khẩu bò sống của EU giảm 16% do sự thiếu bò sống và do khó tiếp cận một số thị trường vì lý do địa chính trị. Nhìn chung, xuất khẩu bò sống dự kiến sẽ giảm 2% vào năm 2025 so với năm 2024. Nhập khẩu thịt bò vào thị trường EU trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ Brazil giảm mạnh 15%, nhập khẩu từ Anh giảm 0,2%. Đến cuối năm 2024, dự kiến nhập khẩu thịt bò giảm 2% so với năm trước. Năm 2025, nhập khẩu thịt có thể giảm thêm 1,5% do sản lượng dự kiến ở Brazil sẽ giảm.
Sản lượng thịt lợn của EU tăng
Trong nửa đầu năm 2024, sản lượng thịt lợn của EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng lớn nhất ở Ba Lan đạt 77.000 tấn (+9%), Hungari đạt 18.000 tấn (+8,3%) và ở Đan Mạch đạt 18.000 tấn (+0,9%), mặc dù sản lượng ở Estonia giảm 5.000 tấn (-0,2%). Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng lợn giết mổ ở Đan Mạch ít hơn, nhưng trọng lượng lợn trung bình lại tăng (+17.000 tấn, +2,5% so với cùng kỳ năm trước). Nguồn cung tại EU tăng kết hợp với nhu cầu hạn chế đã khiến giá trong nước giảm từ tháng 5/2024, mặc dù giá chào trung bình vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm. Do giá thức ăn chăn nuôi và giá lợn giống giảm nên tỷ suất lợi nhuận vẫn khá khả quan trong nửa đầu năm. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát vẫn là mối lo ngại cho sản xuất. Nhìn chung, sản lượng năm 2024 dự kiến sẽ giảm 0,5% và giảm thêm 0,2% vào năm 2025 so với năm trước. Mức tiêu thụ đã ổn định trong năm 2024, không tăng như thường lệ trong những tháng mùa hè. Mức tiêu thụ bình quân đầu người của EU dự kiến sẽ giảm thêm xuống 30,9 kg vào cuối năm nay (-0,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Đến năm 2025, mức tiêu thụ bình quân đầu người của EU dự kiến sẽ ổn định ở mức 30,9 kg so với năm trước.
Giá thịt lợn tại EU cao làm xuất khẩu giảm
Giá thịt lợn EU cao khiến xuất khẩu sang thị trường toàn cầu thực sự là một thách thức. Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thịt lợn của EU giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh 27%. Ngoài ra, xuất khẩu sang Anh giảm 3%. Sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá từ Brazil và Mỹ đã tạo ra thách thức cho xuất khẩu của EU sang một số thị trường có giá trị cao (Nhật Bản, Australia), mặc dù có sự gia tăng ở Hàn Quốc và các thị trường có giá trị thấp hơn như Philippines và Việt Nam.
Xuất khẩu thịt lợn của EU năm 2024 có thể giảm 2,5% so với năm ngoái. Nếu khoảng cách giá giữa EU và các đối thủ cạnh tranh quốc tế tiếp tục giảm, điều này có thể thúc đẩy xuất khẩu của EU trên thị trường quốc tế. Dự kiến năm 2025 giảm 2% so với năm trước. Với khả năng bị áp thuế chống trợ cấp từ Trung Quốc, xuất khẩu thịt lợn năm 2025 có thể tiếp tục giảm. Tổng nhập khẩu thịt lợn của EU trong 6 tháng đầu năm 2024 là 53.711 tấn (+1% so với cùng kỳ năm ngoái). Nhập khẩu từ Anh chiếm khoảng 2/3 tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của EU và giảm 2,2% trong cùng kỳ. Đồng thời, nhập khẩu từ Chile tăng 8.600 tấn (+173%) do Hiệp định FTA mới giữa Chile và EU. Tuy nhiên, với dự đoán nhu cầu thịt lợn của Anh sẽ giảm vào năm 2025, nhập khẩu của EU có thể giảm 2% vào năm 2025.
Ngành gia cầm của EU tiếp tục phục hồi
Năm 2024, sản lượng gia cầm của EU tiếp tục tăng kể từ khi phục hồi vào năm 2023, do dịch cúm gia cầm HPAI nhẹ hơn cũng như chi phí thức ăn chăn nuôi giảm và giá đầu ra thuận lợi. Trong nửa đầu năm 2024, hoạt động giết mổ gia cầm ở EU tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng tăng ở hầu hết các nước EU ngoại trừ: Séc, Hà Lan và Litva. Đặc biệt, mức tăng lớn được báo cáo ở Pháp (+116.000 tấn hoặc +15,9%) và Hungari (+34.000 tấn hoặc +13,9%). Đến cuối năm 2024, sản lượng dự kiến sẽ tăng 4% so với năm trước, có tính đến khả năng chi phí đầu vào tăng sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận. Dự kiến vào năm 2025, sản lượng giảm 0,9% so với năm ngoái do cạnh tranh về giá từ các loại thịt khác và nhu cầu toàn cầu ổn định hơn. Mặc dù mùa dịch cúm gia cầm HPAI năm nay bùng phát nhẹ hơn nhưng nguy cơ vẫn tồn tại trong những mùa sắp tới. Giá sản xuất tại EU tăng đều đặn trong nửa đầu năm 2024 và duy trì ở mức trên 2.500 EUR/tấn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thịt gia cầm của EU giảm 20.370 tấn (-4,5% so với cùng kỳ năm 2023). Tuy nhiên, nhập khẩu thịt gia cầm của EU từ Anh đã tăng mạnh (tăng 32% hoặc tăng gần 20.000 tấn) sau đợt sụt giảm mạnh vào năm ngoái. Mặt khác, nhập khẩu của EU từ Ukraine giảm (-12%), Brazil giảm (-12%) và Thái Lan giảm (-11%). Nhìn chung, nhập khẩu của EU cả năm 2024 dự kiến sẽ giảm 0,5% do nhập khẩu gia cầm từ các thị trường chủ yếu như Brazil, Anh và Ukraine giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thịt gia cầm của EU tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt xuất khẩu sang Vương quốc Anh (tăng 7 600 tấn) và hầu hết các điểm đến ở Châu Phi và Châu Á tăng: Saudi Arabia (tăng 7 200 tấn), Việt Nam (tăng +10 800 tấn), Philippines (tăng 33 170 tấn) và CHDC Congo (tăng 9 190 tấn). Ngược lại, xuất khẩu sang Ukraine lại giảm (-12 540 tấn). Đến cuối năm 2024, xuất khẩu thịt gia cầm của EU dự kiến sẽ tăng 3% so với năm trước và có thể được duy trì vào năm 2025 nếu các thị trường xuất khẩu gia cầm truyền thống của EU được duy trì. Nguồn cung nội địa tại EU tăng cao và những lợi ích về thịt gia cầm đối với người tiêu dùng châu Âu so với các loại protein động vật khác, dự kiến sẽ hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng bình quân đầu người của EU năm 2024 thêm gần 1 kg (+3,5% so với năm ngoái). Năm 2025, mức tiêu thụ bình quân đầu người của EU có thể ổn định ở mức 25,2 kg (+0,6% so với năm trước).
Thịt cừu,dê
Sản lượng cừu và dê của EU trong nửa đầu năm 2024 giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, do sự suy giảm cơ cấu liên tục của đàn dê và cừu, cũng như điều kiện thời tiết không thuận lợi cho chăn nuôi. Các quốc gia thành viên sản xuất chính như Estonia và Pháp phải đối mặt với mức giảm lần lượt là 6.100 tấn (-10%) và 2.800 tấn (6%) so với cùng kỳ năm trước. Sự bùng phát dịch bệnh ở đàn gia súc ở các quốc gia thành viên phía Tây Âu có thể ảnh hưởng hơn nữa đến khả năng giết mổ vào cuối năm nay. Nhìn chung, sản lượng cừu và dê của EU cả năm 2024 có thể giảm 5%, bất chấp giá cao kỷ lục và tiếp tục giảm 1% vào năm 2025. Là loại thịt đắt nhất nên việc tiêu thụ thịt cừu của EU có thể phải chịu áp lực lạm phát như các loại thịt đỏ khác. Mặc dù được người tiêu dùng ưa chuộng trong các lễ hội tôn giáo và văn hóa. Do nguồn cung thấp và giá cao dự kiến sẽ khiến mức tiêu thụ năm 2024 giảm nhẹ xuống còn 1,2 kg (giảm 3,2% so với năm trước). Đến năm 2025, mức tiêu thụ bình quân đầu người dự kiến sẽ ở mức 1,2 kg (- 0,6%).
Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thịt cừu của EU giảm 14%, do xuất khẩu sang Anh, Thụy Sĩ, Israel, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất giảm. Điều này chủ yếu là do giá ở EU tương đối cao dẫn đến khả năng cạnh tranh kém hơn trên thị trường quốc tế; tình trạng này dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn nên xuất khẩu thịt cừu cả năm 2024 có thể giảm 10%. Năm 2025 nếu giá giảm, thì xuất khẩu thịt cừu dự kiến sẽ phục hồi khoảng +2% so với năm trước. EU xuất khẩu cừu sống trong nửa đầu năm 2024 giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, do giá trong nước cao và nguồn cung thấp. Xuất khẩu ngày càng tăng sang Maroc và Algeria, đặc biệt là xuất khẩu từ Estonia, đã bù đắp một phần cho sự sụt giảm xuất khẩu sang Jordan, Saudi Arabia và Israel. Nhìn chung, xuất khẩu cừu sống cũng có khả năng giảm 2% trong cả năm 2024 do tình hình địa chính trị khó khăn. Năm 2025, dự kiến sẽ giảm thêm 2%. Nhập khẩu thịt cừu của EU giảm 10% trong 6 tháng đầu năm 2024, với sự sụt giảm từ các nhà cung cấp chính của EU: Anh (giảm 17%) và New Zealand (giảm 2%). Tuy nhiên, nhập khẩu của EU cả năm 2024 có thể tăng 2% so với năm trước và giữ mức đó vào năm 2025 nhờ sự phục hồi sản xuất ở New Zealand và Australia, do đó sẽ xuất khẩu sang EU nhiều hơn.