Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều từ đầu năm đến hết nửa đầu tháng 6/2019 đạt 174,7 nghìn tấn, trị giá 1,343 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng, nhưng giảm 13,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu hạt điều đạt 7.689 USD/tấn, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhận định về nguyên nhân sản lượng điều xuất khẩu tăng nhưng giá trị lại sụt giảm mạnh, ông Trần Trọng Khôi - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hà Mỵ (Bình Phước) - chỉ ra, do thời gian vừa qua, Việt Nam thiếu hụt nguồn cung trong nước nên phải nhập khẩu từ châu Phi để đáp ứng sản xuất, phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, chất lượng của những sản phẩm này hơi kém dẫn tới giá điều nhân bán ra bị giảm.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, trong các tháng tới giá hạt điều toàn cầu sẽ phục hồi (hạt điều nhân loại W320 sẽ đạt mức 3,3 - 3,5 USD/pound) bởi nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng sẽ tăng hơn trong lễ Tạ ơn và Giáng sinh; cùng đó là áp lực dư cung (hiện nay chỉ còn một số nước trong giai đoạn cuối của vụ thu hoạch như Ấn Độ, Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Guiné-Bissau và Sénégal).
Với kinh nghiệm xuất khẩu hạt điều cho nhiều khách hàng lớn, ông Trần Trọng Khôi khẳng định, Hiệp định EVFTA sẽ mang lại thuận lợi lớn cho DN. Song để tận dụng được cơ hội, DN phải lấy yếu tố chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đặt lên hàng đầu. Dẫn chứng cụ thể, ông Khôi cho biết, 6 tháng đầu năm, trong khi giá trị kim ngạch ngành điều nói chung giảm hơn 13% thì Công ty Hà Mỵ vẫn giữ ổn định, thậm chí giá trị xuất khẩu còn tăng nhẹ so với cùng kỳ do sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đảm bảo.
Còn theo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước - địa phương sản xuất, xuất khẩu điều lớn nhất cả nước, thị trường EU, đặc biệt là Đức và Hà Lan, vẫn là những thị trường quan trọng. Tỉnh xác định sẽ tuyên truyền, khuyến khích DN tận dụng cơ hội của EVFTA cũng như chủ động tìm hiểu thông tin để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Riêng với việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu chất lượng hiện nay, tỉnh Bình Phước đã có buổi làm việc với đoàn công tác Bờ Biển Ngà, bởi đây là quốc gia sản xuất hạt điều hàng đầu thế giới với diện tích đạt 1,4 triệu ha, năng suất bình quân khoảng 5 tạ/ha, nhưng chỉ có 8% sản lượng được chế biến chuyên sâu cung ứng ra thị trường thế giới. Theo đó, nước này mong muốn hợp tác với các DN Bình Phước đẩy mạnh chế biến hạt điều. Nếu việc hợp tác diễn ra tốt đẹp sẽ tạo được nguồn cung ứng tốt cho ngành điều phát triển.
Theo Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), EU vẫn là thị trường xuất khẩu nhân điều lớn nhất của Việt Nam, sau Mỹ, nên việc ký kết Hiệp định EVFTA được nhận định sẽ đem lại nhiều cơ hội cho ngành điều.
Nguồn: Mai Ca - Thanh Minh/Báo Công Thương