Chủ yếu do điều chỉnh sản lượng gạo toàn cầu tăng 2,9 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 4/2024 do những sửa đổi về sản lượng của Myanmar và Pakistan tăng so với ước tính trước đó. Do đó, sản lượng gạo toàn cầu năm 2023/24 dự kiến sẽ đạt kỷ lục mới là 529,2 triệu tấn gạo xay xát, tăng 0,7% so với ước tính năm 2022/23. Dự báo về sản lượng ngô và lúa mì toàn cầu cũng được điều chỉnh tăng nhẹ.
Dự báo tiêu thụ ngũ cốc thế giới năm 2023/24 đạt mức 2.829 triệu tấn, tăng 1,7 triệu tấn so với dự báo tháng trước và tăng 37,7 triệu tấn (tăng 1,4%) so với năm 2022/23. Tiêu thụ ngũ cốc thô toàn cầu trong năm 2023/24 được dự báo đạt mức 1.510 triệu tấn, tăng 1,8 triệu tấn so với dự báo tháng trước và tăng 1,6% so với năm 2022/23. Chủ yếu do việc sử dụng ngô làm thức ăn chăn nuôi cao hơn dự đoán trước đây (đặc biệt là ở Canada và Mỹ) và lúa mạch (ở Trung Quốc). Ngược lại, dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu cho niên vụ 2023/24 đã được điều chỉnh giảm 1,3 triệu tấn, chủ yếu là do mức sử dụng thức ăn chăn nuôi dự kiến ở Brazil và Mỹ giảm. Tuy nhiên, mức tiêu thụ lúa mì toàn cầu niên vụ 2023/24 vẫn dự kiến tăng 1,9% so với niên vụ 2022/23, lên 794 triệu tấn, chủ yếu do sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc sử dụng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi, chủ yếu ở Trung Quốc và Liên minh châu Âu. FAO đã nâng dự báo tháng 4 về mức tiêu thụ gạo thế giới niên vụ 2023/24 tăng 1,2 triệu tấn lên 525 triệu tấn, sau khi điều chỉnh tăng mức sử dụng dự kiến của một số quốc gia, chủ yếu là châu Á, bù đắp cho mức giảm dự báo ở Trung Quốc. Bất chấp điều chỉnh tăng, mức tiêu thụ gạo toàn cầu vẫn được dự báo sẽ giảm 1,2 triệu tấn so với ước tính niên vụ 2022/23.
Bất chấp mức điều chỉnh giảm 4,6 triệu tấn so với dự báo tháng trước, dự báo của FAO về tồn kho ngũ cốc thế giới kết thúc năm 2024 ở mức 890 triệu tấn, vẫn cao hơn 2,1% so với đầu năm. Sự điều chỉnh giảm này chủ yếu là do dự trữ ngô giảm ở Brazil và Mỹ, và tồn kho lúa mạch ở Kazakhstan thấp. Tỷ lệ dự trữ ngũ cốc trên thế giới/mức tiêu thụ năm 2023/24 được dự báo ở mức khá thoải mái là 30,9%, gần như không thay đổi so với mức 30,8% trong năm 2022/23.
Dự trữ ngũ cốc thô toàn cầu vẫn được dự đoán sẽ tăng 5,6% so với đầu năm đạt mức 372 triệu tấn; trong đó dự trữ lúa mì toàn cầu đạt mức 318 triệu tấn, giảm 1,4% và gần như không thay đổi so với dự báo trong tháng trước, do điều chỉnh tăng dự trữ lúa mì ở Liên minh châu Âu và Mỹ, do nhập khẩu tăng và mức tiêu thụ giảm đã bù đắp cho sự điều chỉnh giảm dự trữ lúa mì ở những nước khác. Dự trữ gạo toàn cầu vào vụ 2023/24 được dự báo sẽ tăng 1,6% so với đầu năm lên mức cao kỷ lục là 199,2 triệu tấn, ít thay đổi so với dự báo hồi tháng 4/2024, do việc điều chỉnh tăng lượng dự trữ tại Pakistan, Myanmar và một số quốc gia khác được bù đắp bởi dự báo giảm dự trữ ở Campuchia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Dự báo thương mại ngũ cốc thế giới năm 2023/24 tăng 1,9 triệu tấn so với dự báo tháng trước, lên 487 triệu tấn và tăng 7,5 triệu tấn (tăng 1,6%) so với năm 2022/23. Dự báo thương mại ngũ cốc thô toàn cầu năm 2023/24 (tháng 7/tháng 6) đã tăng 0,8 triệu tấn, chủ yếu do nhập khẩu lúa mạch và hạt bo bo dự kiến tăng từ Trung Quốc, nâng dự báo lên 236 triệu tấn, tăng 4,9% so với năm 2022/23. Thương mại lúa mì toàn cầu trong năm 2023/24 (tháng 7/tháng 6) cũng tăng 1,2 triệu tấn, chủ yếu là do xuất khẩu tăng dự kiến từ các nước xuất khẩu nhỏ, cùng với nhập khẩu của Afghanistan, Ai Cập và Liên minh Châu Âu tăng. Thương mại lúa mì toàn cầu niên vụ 2023/24 (tháng 7/tháng 6) bất chấp điều chỉnh tăng so với dự báo tháng trước nhưng vẫn được dự đoán sẽ giảm 0,8% so với năm 2022/23 xuống 200 triệu tấn. Thương mại gạo thế giới năm 2024 (từ tháng 1 đến tháng 12) được dự báo đạt mức 51,1 triệu tấn, giảm nhẹ so với dự báo tháng 4 và giảm 3,4% so với mức đã giảm của năm 2023.
Dự báo sản lượng lúa mì năm 2024
Dự báo của FAO về sản lượng lúa mì toàn cầu năm 2024 giảm so với dự báo tháng 4/2024, xuống còn 791 triệu tấn nhưng vẫn tăng nhẹ 0,5% sản lượng năm 2023. Nguyên nhân do sản lượng lúa mì của Liên minh Châu Âu giảm mạnh hơn dự đoán trước đó; tuy nhiên, điều kiện thời tiết nhìn chung được cải thiện trong tháng 3 và đầu tháng 4/2024, giúp triển vọng năng suất ổn định. Tổng sản lượng lúa mì năm 2024 dự kiến đạt 128,4 triệu tấn, giảm khoảng 4% so với năm trước. Dự báo sản lượng lúa mì của Australia cũng được điều chỉnh giảm, sau khi thời tiết khô hạn ảnh hưởng đến vụ thu hoạch năm 2023. Gần đây, tình trạng thiếu mưa ở Liên bang Nga đã dẫn đến tình trạng khô hạn ở các khu vực sản xuất trọng điểm phía Nam, khiến dự báo sản lượng giảm nhẹ xuống còn 93 triệu tấn, mặc dù sản lượng này vẫn vượt mức trung bình 5 năm. Ở Ukraine, trong điều kiện thời tiết nhìn chung thuận lợi, sản lượng lúa mì vẫn được dự đoán sẽ giảm xuống mức dưới mức trung bình 20,2 triệu tấn, do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện đã là năm thứ ba, năng suất và lợi nhuận kém hơn. Tại Mỹ, mặc dù điều kiện gieo trồng lúa mì vụ đông ở các khu vực thuộc vùng đồng bằng phía nam giảm nhẹ, triển vọng sản xuất lúa mì nói chung vẫn thuận lợi và tổng sản lượng dự kiến đạt gần 52 triệu tấn. Ở Canada, giả sử năng suất quay trở lại xu hướng tăng sau mức thấp năm 2023, sản lượng dự kiến sẽ tăng lên 34,6 triệu tấn trong năm 2024. Ở châu Á, điều kiện thời tiết thuận lợi tiếp tục chiếm ưu thế, củng cố kỳ vọng về sản lượng lúa mì tăng gần kỷ lục ở Ấn Độ và Pakistan và củng cố triển vọng sản xuất thuận lợi ở các nước Cận Đông Á. Ở Bắc Phi, lượng mưa cục bộ gần đây đến quá muộn để cải thiện gieo trồng sau tình trạng thiếu mưa trên diện rộng kể từ cuối năm 2023 và triển vọng năng suất lúa mì vẫn kém.