Năm 2021 là năm tăng thứ 3 liên tiếp của giá dầu cọ thô, với mức tăng gần ¼ do tình trạng thiếu hụt lao động khi đại dịch xảy ra, đã làm giảm sản lượng tại Malaysia, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới.
Giữa tháng 8/2021, giá dầu cọ đã đạt mức kỷ lục 4.560 ringgit/tấn, làm ảnh hưởng đến nhu cầu tại một số nước tiêu thụ dầu ăn lớn trên thế giới.
Thuế xuất khẩu của Indonesia cao cùng với nguồn cung dầu cọ thắt chặt dự kiến vào đầu năm 2022, khiến giá có nhiều triển vọng tăng lên trong 5 tháng tới. Mistry, giám đốc công ty hàng tiêu dùng Ấn Độ Godrej International dự đoán giá dầu cọ sẽ ở mức từ 4.000 - 4.400 ringgit trong thời gian từ tháng 10/2021 - tháng 2/2022 trước khi giảm dần vào tháng 3/2022.
Ông cho biết thêm, trong giai đoạn từ tháng 4 – tháng 9/2022, giá kết thúc đà tăng và sẽ giảm từ 3.800 ringgit xuống 3.200 ringgit.
Sản lượng dầu cọ ở Malaysia sẽ chỉ phục hồi sau tháng Ramadan của người Hồi giáo vào năm 2022. Tháng lễ của người Hồi giáo dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 2/4/2022.
Mistry đã hạ ước tính sản lượng dầu cọ năm 2021 của Malaysia xuống 18,2 triệu tấn. Theo ông, sản lượng năm tới có thể sẽ tăng lên 19,2 triệu tấn nếu chính phủ cải thiện được tình trạng khủng hoảng lao động trầm trọng.
Còn tại Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, sản lượng trong năm 2022 sẽ tăng thêm ít nhất 1 triệu tấn so với năm 2021.
Nguồn cung dầu cọ thế giới tăng 2,5 triệu tấn trong niên vụ 2021/22, nhiều hơn so với mức tăng 1 triệu tấn trong mùa trước khi nhu cầu về thực phẩm và nhiên liệu tăng lên.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters