Hợp đồng dầu cọ giao tháng 11/2022 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch giảm 65 ringgit, tương đương 1,67% xuống 3.833 ringgit (847,45 USD)/tấn. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này ở mức 3.811 ringgit (842,4 USD)/tấn.
Đồng ringgit đã giảm 0,4% so với đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998, khiến cho hàng hoá được định giá bằng đồng tiền này rẻ hơn đối với những người mua bằng đồng ngoại tệ.
Các đồn điền của Malaysia đang trong mùa sản xuất cao điểm và tăng 9,7% so với tháng trước. Các nhà phân tích kỳ vọng sản lượng sẽ tăng mạnh trong tháng 9 trước khi giảm dần trong quý IV.
Theo Hiệp hội những người trồng cọ Colombia, giá trị xuất khẩu dầu cọ của nước này có thể tăng đáng kể lên 800 triệu USD trong năm nay, nhờ giá quốc tế cao và sản lượng ổn định.
Nicolas Perez, Chủ tịch hiệp hội Fedepalma, cho biết con số này sẽ cao hơn nhiều so với giá trị 500 triệu USD của doanh số bán dầu cọ hồi năm ngoái. Perez cho biết, giá một tấn dầu cọ khoảng 900 USD, cao hơn mức trung bình dài hạn 650 - 700 USD, và năm ngoái, giá đã lên tới 1.500 USD.
Giá tăng cao do một số yếu tố như vấn đề thu hoạch ở Malaysia, xung đột ở Ukraina ảnh hưởng đến sản xuất dầu hướng dương và hạn hán ở Mỹ, Argentina và Brazil đã làm giảm sản lượng đậu tương.
Perez cho biết sản lượng dầu cọ Colombia có thể cao hơn một chút so với kỷ lục năm 2021 là 1,75 triệu tấn.
Colombia là nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ tư thế giới sau Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Mặt hàng này được sử dụng trong thực phẩm, mỹ phẩm, xà phòng và làm nhiên liệu sinh học. Khoảng 30% sản lượng của Colombia được xuất khẩu.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương giảm 0,04%, giá dầu cọ tăng 0,9%. Giá đậu tương trên sàn Chicago tăng 0,3%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters