Hợp đồng dầu cọ giao tháng 10/2022 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch tăng 41 ringgit, tương đương 1,1% lên 3.761 ringgit (844,6 USD) /tấn. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này ở mức 3.717 ringgit (834,91 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá đã tăng 4,5% sau hai tuần giảm liên tiếp.
Cơ quan chống độc quyền của Indonesia đã cáo buộc 27 công ty sản xuất dầu ăn có hành vi kinh doanh không công bằng, khi bị nghi ngờ cố định giá và kiểm soát nguồn cung dầu ăn.
Vụ kiện lần đầu tiên được đưa ra vào tháng 3/2022 sau khi Indonesia đối mặt với tình trạng thiếu dầu ăn bất chấp các hạn chế xuất khẩu.
Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát giá trong nước, Indonesia đã hạn chế xuất khẩu dầu cọ và đưa ra giới hạn bán lẻ tối đa đối với dầu ăn có thương hiệu, dẫn đến sự khan hiếm trên thị trường.
Sau khi dỡ bỏ hạn chế, dầu ăn thương hiệu đã xuất hiện trở lại trên các kệ hàng siêu thị nhưng với giá cao hơn 50.000 rupiah (3,3 USD)/thùng 2 lít, làm dấy lên lo ngại các nhà sản xuất đang cố định giá và hạn chế nguồn cung.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết đang xem xét loại bỏ yêu cầu bán hàng trong nước đối với dầu cọ xuất khẩu kể từ khi hàng tồn kho cao ngăn đà phục hồi của giá dầu cọ. Ông thêm rằng thông tin về Ukraina, nhà xuất khẩu dầu hướng dương lớn, sẽ mở các cảng xuất khẩu nông sản của mình cũng tăng thêm áp lực cho thị trường.
Bộ trưởng Zulkifli Hasan nói với các phóng viên rằng ông sẽ thảo luận ý tưởng này với các công ty dầu cọ và có thể loại bỏ yêu cầu xuất khẩu nếu họ cam kết duy trì nguồn cung dầu ăn dồi dào trong nước.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương giảm 0,5%, giá dầu cọ mất 1,1%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 0,4%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters