Ấn Độ, chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới, cuối tháng 7 đã ban bố lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo non-basmati để làm hạ nhiệt giá trong nước - vốn đã leo lên mức cao nhất nhiều năm trong những tuần gần đây do thời tiết thất thường đe dọa sản xuất gạo.
Ấn Độ áp đặt lệnh cấm từ ngày 20/7 sau khi giá gạo bán lẻ tăng 3% trong một tháng trước đó bởi hạn hán và sau đó là mưa lớn kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.
Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu gạo Satyam Balajee, cho biết: "Nhu cầu giảm do không chắc chắn về mức thuế sau lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng. Các nhà xuất khẩu thận trọng và không bán".
Gạo 5% tấm của Thái Lan tuần 31/7-4/8 đã tăng lên mức cao nhất 15 năm, là 627-630 USD/tấn, từ 605-610 USD vào tuần trước.
Reuters dẫn lời một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết giá niêm yết rất cao nên không có hợp đồng nào được bán ra, đồng thời cho biết thêm rằng một số nguồn cung mới có thể được tung ra thị trường vào cuối tháng này.
Một thương nhân khác cho biết Thái Lan có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn nhưng sẽ phải theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ấn Độ.
Tại nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm được báo giá ở mức kỷ lục 450- 455 USD/tấn do nhu cầu chuyển sang loại này sau lệnh cấm xuất khẩu.
"Giá gạo đồ đang tăng lên vì đây là loại duy nhất mà các doanh nghiệp Ấn Độ được phép xuất khẩu. Nhu cầu thấp hơn bình thường do giá tăng", Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu Ấn Độ cho biết.
Gạo 5% tấm của Việt Nam cũng được chào bán ở mức cao nhất trong 15 năm, là 590-600 USD/tấn, tăng từ mức 550-575 USD một tuần trước.
“Giá tiếp tục tăng sau khi Ấn Độ và một số nước khác hạn chế xuất khẩu”, Reuters dẫn lời một thương nhân tại TP.HCM cho biết, và thêm rằng: "Chúng tôi vẫn chưa biết giá sẽ tăng đến mức nào."
Giá lúa trong nước cũng tăng nhanh trong hai tuần qua lên 6.800-7.200 đồng (0,29- 0,3 USD)/kg do nhu cầu mạnh từ các nhà xuất khẩu và chế biến, các thương nhân cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay dự kiến sẽ tăng lên 7,8 triệu tấn từ mức 7,1 triệu tấn được ghi nhận vào năm ngoái.
Tại Banglades, một quan chức của Bộ lương thực cho biết nước này không lường trước được nhiều tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo mà Ấn Độ mới công bố gần đây. Theo ông, Bangladesh cũng đang chật vật để hạ nhiệt giá lương thực tại thị trường trong nước, nhưng không có kế hoạch nhập khẩu ngũ cốc vì năng suất và dự trữ lúa gạo đều cao.
 
 

Nguồn: VITIC (Theo Reuters)