Tại miền Bắc giá vẫn giảm tới 5.000 đ/kg
Ninh Bình là địa phương giảm 5.000 đ/kg, giá lợn hơi xuống còn 43.000 đ/kg. Tỉnh Hải Dương, Hà Nội cũng ghi nhận giá lợn hơi giảm tới 3.000 đồng xuống lần lượt 45.000 đ/kg và 43.000 đ/kg.
Giá lợn hơi tại Bắc Giang giảm 2.000 đồng xuống 43.000 đ/kg. Các địa phương gồm Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ, giá lợn đồng loạt giảm 1.000 đồng xuống 41.000 - 42.000 đ/kg.
Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nam, Thái Bình lợn hơi phổ biến được thu mua ở mức 42.000 đồng; còn Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc có giá cao hơn một chút, khoảng 45.000 - 46.000 đ/kg.
Giá lợn tại khu vực giảm mạnh trên diện rộng kể từ khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) được báo cáo tại một số tỉnh phía Bắc, đưa mức giá phổ biến tại khu vực trở lại ngưỡng 42.000 đ/kg. Ngoài ra, giá lợn giống tại miền Bắc cũng đã xuống còn 1,3 triệu đồng/con loại 7 - 8 kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên thị trường lặng sóng trở lại
Là khu vực tương đối ổn định trong suốt những ngày qua, giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung thay đổi duy nhất ở Bình Thuận, giá giảm 1.000 đồng xuống 49.000 đ/kg.
Tại các tỉnh phía Bắc Trung Bộ, giá lợn hơi xuống thấp dưới ảnh hưởng của dịch ASF, dao động trong khoảng 39.000 - 46.000 đ/kg. Riêng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế giá lợn vẫn giữ được ngưỡng 49.000 đ/kg.
Còn lợn hơi tại khu vực Nam Trung Bộ vẫn dao động trong khoảng 44.000 - 46.000 đ/kg.
Tại Tây Nguyên, giá lợn hơi tốt hơn, duy trì ở mức 50.000 - 51.000 đ/kg.
Tại miền Nam giá giảm trên diện rộng
Giá lợn tại khu vực cũng ghi nhận xu hướng giảm tại nhiều nơi giống miền Bắc, song biên độ giảm ít hơn. Cụ thể, tại Long An, Cần Thơ, Trà Vinh giá lợn hơi giảm mạnh 2.000 đồng xuống 53.000 - 54.000 đ/kg. Tại Hậu Giang, giá lợn giảm nhẹ 1.000 đồng xuống 52.000 đồng; Đồng Tháp giảm ít hơn, khoảng 500 đồng, xuống 54.000 đ/kg.
Tại thủ phủ nuôi lợn Đồng Nai, giá lợn hơi cũng xuống còn 50.000 - 51.000 đ/kg.
Mặc dù vậy, tại Bình Phước, Kiên Giang, Bình Dương, Sóc Trăng giá lợn hơi tăng so với ngày hôm qua. Trong đó, giá lợn tại Bình Phước, Kiên Giang tăng tới 2.000 đồng lên 52.000 - 53.000 đ/kg; Bình Dương, Sóc Trăng tăng khoảng 500 - 1.000 đồng lên 53.000 - 54.000 đồng. Nhìn chung, giá lợn hơi tại khu vực vẫn duy trì được trên ngưỡng 50.000 đ/kg.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 26/2/2019 đạt 5.100 con và tình hình buôn bán của thương lái không tốt.
Nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi vào TPHCM rất cao
Mặc dù TP HCM chưa phát hiện có dịch tả lợn Châu Phi, song khả năng dịch này vào thành phố chỉ là chuyện sớm muộn” – một cán bộ Hội Nông dân TP chia sẻ với PV báo Tiền Phong.
Ngày 25/2/2019, tại hội nghị liên quan đến việc triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn TP HCM do Sở NN-PTNT TP HCM tổ chức, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM cho biết, TP HCM là đầu mối tiêu thụ thịt lợn tại các tỉnh phía Nam, bình quân mỗi ngày khoảng 10.000-11.000 con (tương đương 750-800 tấn thịt heo).
Theo ông Phát, trong những năm trước, thành phố đã phát hiện một số trường hợp vận chuyển phụ phẩm lợn đông lạnh nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc. Ngoài ra, TPHCM là địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước có dịch.
Thành phố hiện có 4.374 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn 301.061 con. Trong đó có 278 hộ chăn nuôi lợn vận dụng gom thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn cho lợn ăn, với tổng đàn 22.740 con tập trung tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và quận 12. Chính vì những nguy cơ trên, khả năng xâm nhập nhiễm mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào thành phố trong thời gian tới là khá cao.
Lo ngại dịch tả lợn châu Phi , TPHCM huy động tổng lực lương các ngành lên phương án phog2, chống từ nơi sản xuất, vận chuyển đến tiêu thụ
Tại hội nghị, các đại biểu lo ngại dịch tả sẽ theo từ lợn ở các tỉnh phía Bắc về phía Nam tiêu thụ. Hiện, giá lợn hơi ở các tỉnh phía Nam khá cao, tầm 52.000-54.000 đ/kg, trong khi đó, lợn hơi ở các tỉnh phái Bắc chỉ tầm 43.000-45.000 đ/kg.
Nguyên nhân là có thông tin dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc nên người nuôi lo ngại bán tháo, người tiêu dùng cũng sợ nên không dám mua ăn khiến giá lợn giảm nhanh.
Thương lái đã vận chuyển lợn từ phía Bắc vào các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM tiêu thụ. Nếu dịch bệnh bị lây nhiễm vào khu vực nuôi lợn lớn ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai sẽ dẫn đến thiệt hại rất nặng nề cho nông dân.
Theo khuyến cáo của Cục Thú y, mặc dù có thể gây chết 100% đàn lợn nếu mắc phải, không có vaccine phòng bệnh, không có khái niệm chữa trị, nếu mắc bệnh chỉ còn cách tiêu hủy nhưng dịch tả lợn Châu Phi hoàn toàn không lây sang người. Do vậy, nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm thịt lợn đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn TP; đề nghị các ngành chức năng triển khai các biện pháp xử lý kịp thời, khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại kinh tế, ổn định tình hình kinh tế chính trị của thành phố.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho biết: “Cần phải giám sát chặt chẽ các lò mổ, không để giết mổ trái phép trên địa bàn TP. Vận động thương lái chọn nguồn lợn ở phía Nam, không nên chạy theo lợi nhuận khi lợn ở phía Bắc có giá rẻ hơn để đưa vào phía Nam tiêu thụ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên chọn mua thịt lợn ở những nơi có nguồn gốc, đáng tin cậy”.
Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy. Do đó, lợn bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ tới 38.000 đ/kg và thời gian giải quyết hồ sơ chậm nhất 15 ngày.
Nguồn: VITIC tổng hợp