Tại miền Bắc giá giảm trên diện rộng
Lào Cai, Tuyên Quang là hai địa phương giá lợn hơi giảm nhiều nhất, 3.000 đ/kg, xuống lần lượt 46.000 đồng và 42.000 đ/kg.
Giá lợn hơi tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Hà Nội đồng loạt giảm mạnh 2.000 đ/kg. Trong đó, Yên Bái và Hà Nội xuống 45.000 đ/kg; còn các tỉnh còn lại giảm xuống 42.000 đồng. Tại Bắc Giang, giá lợn hơi giảm nhẹ 1.000 đồng xuống 45.000 đ/kg. Hiện giá lợn hơi toàn khu vực đang thấp nhất trên cả nước, phổ biến ở mức 42.000 đ/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá giảm tới 6.000 đồng
Hôm 25/2/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa xác nhận dịch ASF đã xuất hiện tại khu vực này với 226 con lợn bị tiêu hủy. Như vậy, bệnh dịch nguy hiểm ở lợn đã lan từ Đông Bắc Bộ xuống cực Bắc của Trung Bộ. Mặc dù vậy, giá lợn hơi lại giảm tại địa phương lân cận, giảm mạnh 6.000 đồng xuống 45.000 đ/kg. Tại Nghệ An, giá lợn còn giảm tới 4.000 đồng xuống 39.000 đ/kg
Những tỉnh, thành còn lại giá lợn không thay đổi so với ngày hôm qua, dao động trong khoảng 44.000 - 51.000 đ/kg, với mức giá cao nhất tại các tỉnh gần phía nam.
Tại miền Nam giá biến động trái chiều
Trong khi tại Bình Dương và Sóc Trăng giá lợn hơi tăng 1.000 đồng lên lần lượt 50.000 đồng và 53.000 đ/kg, Vĩnh Long và Cần Thơ giá giảm.
Cụ thể, giá lợn tại Vĩnh Long giảm mạnh 2.000 đồng xuống 53.000 đ/kg; còn Cần Thơ xuống 56.000 đồng. Đà giảm tại khu vực xuất hiện trở lại kể từ khi dịch ASF được báo cáo tại phía Bắc, tuy nhiên mức giảm không lớn và giá lợn hơi vẫn duy trì trên ngưỡng 50.000 đ/kg.
Các địa phương như Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Củ Chi, Long An... được thu mua trong khoảng 53.000 - 56.000 đ/kg.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 25/2/2019 đạt 4.400 con và tình hình buôn bán của thương lái tương đối thuận lợi.
Cảnh giác bán tháo lợn bệnh từ Bắc vào Nam
Tại cuộc họp khẩn phòng chống DTLCP ngày 25/2/2019 tại TP.HCM, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM lo ngại giá lợn 2 miền đang chênh lệch tới 7.000 đ/kg nên rất dễ xảy ra hiện tượng bán tháo từ Bắc vào Nam, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch…
Theo ông Nguyễn Phước Trung, TP.HCM là nơi tiếp nhận rất nhiều lợn sống và các sản phẩm từ lợn đưa vào chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh đó, giá lợn hơi xuất bán tại trại chăn nuôi phía Nam ở mức 50.000 - 52.000 đ/kg, trong khi đó giá lợn tại các tỉnh, thành phía Bắc chỉ từ 43.000 - 45.000 đ/kg, như vậy chênh lệch tới 7.000 đ/kg. Vì vậy tình trạng chuyển lợn từ Bắc vào Nam để tiêu thụ rất dễ xảy ra, dẫn đến nguy cơ phát dịch.
Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các quận, huyện tại TP.HCM đã tăng cường lực lượng kiểm tra, chốt chặn tại các tuyến đường giao thông khu vực giáp ranh với các tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn sống và sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Dừng phương tiện nghi vấn vận chuyển lợn sống, sản phẩm động vật có biển số từ các tỉnh phía Bắc để kiểm tra. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý dứt điểm các hộ kinh doanh giết mổ lợn trái phép trên địa bàn.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y & Chăn nuôi TP.HCM cho biết, hiện thành phố đã in sẵn trên 4.000 tờ bướm hướng dẫn phòng chống DTLCP để phát cho các hộ nông dân, người chăn nuôi… Bên cạnh đó, Chi cục khuyến cáo phải thực hiện biện pháp 5 không: thứ nhất không giấu dịch; thứ hai không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; thứ ba không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh cũng như thịt lợn chết; thứ tư không vứt xác lợn bệnh, chết ra môi trường để làm phán tán dịch bệnh rộng hơn; thứ năm không sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn mà không qua xử lý nhiệt.
Theo Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP.HCM, hiện mỗi ngày có khoảng 2.000 con lợn được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào khu vực phía Nam. Trong đó số lượng lớn lợn được chuyển từ miền Bắc vào các lò giết mổ ở Long An, và một số tỉnh miền Tây rồi chuyển về TP.HCM tiêu thụ.
Nguồn: VITIC/Vietnambiz

Nguồn: Vinanet