Tại miền Bắc giá tiếp tục tăng
Giá lợn hơi tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc tăng 2.000 đ/kg lên 40.000 đ/kg, Thái Nguyên có nơi lên 42.000 - 43.000 đ/kg; Tuyên Quang tăng 1.000 - 2.000 đồng lên 41.000 đồng; Hải Dương cũng lên đến 40.000 đ/kg. Tại Sơn La, giá lợn đạt mức 43.000 đ/kg. Các địa phương khác giá lợn hơi không mấy thay đổi so với ngày hôm qua. Trong đó, giá lợn hơi tại Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam dao động trong mức 41.000 - 42.000 đ/kg; Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình đạt 38.000 - 40.000 đ/kg.
Tại công ty chăn nuôi CP miền Bắc, giá lợn hơi tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đ/kg lên 43.000 - 44.000 đ/kg từng loại, điều này tiếp tục kích thích giá lợn tại các trại dân tăng trong tuần tới.
Về tình hình dịch tả heo châu Phi (ASF), theo ghi nhận từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã có 3 ổ dịch (xã Đức Hợp, huyện Kim Đồng, tỉnh Hưng Yên; phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội và xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đã qua hơn 30 ngày vẫn chưa phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện công bố hết dịch. Ngoài ra, nhiều ổ dịch khác cũng sắp qua 30 ngày vẫn chưa phát sinh ổ mới.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá tăng 2.000 đồng
Quảng Bình là địa phương ghi nhận mức tăng 2.000 đ/kg, lên 37.000 đ/kg; Thanh Hóa tăng 1.000 đồng lên 39.000 đ/kg, có nơi thương lái trả 43.000 đ/kg. Những địa phương còn lại, giá lợn hơi tương đối ổn định, với Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đạt 40.000 đ/kg; Hà Tĩnh 34.000 đ/kg. Các tỉnh Nam Trung Bộ, trải dài từ Quảng Nam trở vào Bình Thuận, giá lợn hơi dao động trong mức 40.000 - 41.000 đ/kg. Tại Đắk Lắk, Lâm Đồng giá lợn hơi cũng duy tri ở mức tốt, 40.000 - 42.000 đ/kg.
Tại miền Nam giá tăng tới 3.000 đ/kg
Trà Vinh giá tăng mạnh 3.000 đ/kg lên 49.000 đồng; Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An đồng loạt tăng 1.000 đồng lên 45.000 đ/kg. Tại Gia Kiệm và Trảng Bom (Đồng Nai), giá lên 45.000 - 46.000 đ/kg.
Vĩnh Long cũng ghi nhận giá lợn hơi tăng 1.000 - 2.000 đồng lên 45.000 - 46.000 đồng; Bến Tre tăng 2.000 đồng lên 45.000 đ/kg; Cà Mau lên tới 46.000 - 48.000 đ/kg. Nhìn chung giá lợn hơi tại khu vực đang dao động trong khoảng 40.000 - 49.000 đ/kg.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 5/4/ 2019 đạt 4.000 con và tình hình buôn bán của thương lái không mấy thuận lợi.
Sẽ xây dựng mô hình an toàn sinh học phù hợp chăn nuôi lợn nông hộ nhỏ lẻ
Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay cả nước vẫn còn 2,8 triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, nông hộ, chiếm tới 48% sản lượng thịt lợn, nên thời gian tới sẽ xây dựng mô hình an toàn sinh học phù hợp cho khu vực này.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới OIE và Nông lương Liên hợp quốc FAO hiện nay trên thế giới dịch tả lợn châu Phi (ASF) chưa có vắc xin, chưa có thuốc và phác đồ điều trị nên toàn bộ việc phòng chống dịch phải dựa vào chăn nuôi an toàn sinh học.
Kinh nghiệm bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay cho thấy, đa phần dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, từ đó cho thấy an toàn sinh học và vệ sinh thú y đối với chăn nuôi nhỏ lẻ tại Việt Nam hiện còn rất thấp. Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ đã và đang vẫn đóng một vài trò lịch sử nhất định với ngành chăn nuôi Việt Nam, chưa thể bỏ ngay được nên trong Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội thông qua, dự kiến chính thức có hiệu lực đầu năm 2020 đã quy định rất rõ các điều kiện, quy định về thú y, an toàn thực phẩm đối với chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ.
Do đó, trên cơ sở Luật Chăn nuôi, các tài liệu khuyến cáo của OIE và FAO, đặc biệt là kinh nghiệm phòng chống dịch tả lợn châu Phi của các Bộ, ban, ngành, địa phương từ đầu năm đến nay, Bộ NN-PTNT sẽ giao Cục Thú y và Cục Chăn nuôi sớm xây dựng những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đối với nhóm chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ trên tinh thần "sống chung với dịch" trong lúc chờ nghiên cứu sản xuất thương mại thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Bộ NN-PTNT sẽ giao Cục Thú y và Cục Chăn nuôi sớm xây dựng những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đối với nhóm chăn nuôi nông hộ.
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành phố, tổng số lợn mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh đã tiêu hủy là 73.000 con. Hiện tại, có 3 ổ dịch tả lợn Châu Phi đã qua 30 ngày chưa phát sinh ổ dịch mới (xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên; Phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội; Xã Đại Đồng, Tứ Kỳ, Hải Dương), đủ điều kiện để công bố hết dịch.
Nguồn: VITIC/Vietnambiz