Tại miền Bắc giá tốt nhất cả nước
Tuần qua, dù có thời điểm giá lợn hơi giảm nhẹ tại một vài địa phương nhưng xu hướng chủ yếu vẫn là ổn định. Hiện tại, so với hai khu vực còn lại, giá lợn hơi tại miền Bắc vẫn đang ở mức tốt nhất, dao động trong khoảng 42.000 - 52.000 đ/kg; trong đó, tại thủ phủ nuôi lợn Hà Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 42.000 - 47.000 đ/kg; Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hoà Bình đạt 44.000 - 47.500 đ/kg; các địa phương còn lại như Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình... phổ biến 47.000 - 48.000 đ/kg, có nơi lên tới 52.000 đ/kg đối với lợn đẹp.
Tại miền Trung, Tây Nguyên ổn định
Thời gian qua, giá lợn tại khu vực ổn định nhất, không xuất hiện những biến động lớn, trên diện rộng. Giá lợn hơi tại miền Trung giao dịch trong khoảng 35.000 - 46.000 đ/kg; trong đó, các tỉnh Bắc Trung Bộ giá cao hơn, đều trên 40.000 đ/kg, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh có giá khoảng 46.000 đ/kg. Xuôi về miền Nam, giá lợn tương đối ảm đạm, duy trì ở mức 35.000 - 40.000 đ/kg. Tại khu vực Tây Nguyên, giá lợn hơi ở mức 38.000 - 42.000 đ/kg.
Tại miền Nam có thời điểm giá tăng nhẹ
Dù mức tăng không lớn và đà tăng không kéo dài, giá lợn hơi tại miền Nam vẫn tăng nhẹ trong tuần qua, dù giá tại công ty chăn nuôi lợn CP miền Nam giữ nguyên không đổi,
Những ngày cận kệ ngày rằm tháng 8, lượng lợn về chợ đầu mối TP HCM có xu hướng giảm xuống dưới 6.000 con và tình hình tiêu thụ không tốt vì nhu cầu ăn chay của người dân tăng.
Hiện, giá lợn hơi tại Đồng Nai, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Tây Ninh và Tiền Giang dao động ở mức 38.000 – 42.000 đ/kg. TP HCM, Đồng Tháp, Cà Mau, Bến Tre, Long An là những tỉnh có mức giá lợn thấp hơn, đạt khoảng 35.000 – 36.000 đ/kg.
Thịt lợn dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Tết 2020
Theo thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, giá lợn tại thị trường Trung Quốc đang tăng rất cao, có nơi lên đến gần 100.000 đ/kg. Tuy nhiên, vừa rồi Trung Quốc siết chặt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, nên nhập khẩu thực phẩm vào phải truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc buôn bán tiểu ngạch hạn chế, do đó, ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam là không lớn.
Tại thị trường trong nước, cũng có những dự báo giá lợn sẽ lên cao, thậm chí rất cao. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng qua, giá lợn hơi vẫn xoay quanh mức 48.000 – 50.000 đ/kg, điều này cho thấy sức cung vẫn còn.
Số lợn còn lại khoảng 93% (do tổng đàn lợn của nước ta đến nay giảm khoảng 7% do tác động của dịch tả lợn châu Phi), cùng với đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, thủy sản, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn an toàn sinh học thì chưa đáng lo ngại về nguồn cung.
Để đảm bảo được sản lượng thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng như giảm áp lực từ việc tăng giá thịt lợn lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cuối năm, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Về phát triển chăn nuôi đại gia súc, sau 8 tháng đã có tốc tăng trưởng khoảng 3% về sản lượng. Chăn nuôi gia cầm được đẩy mạnh với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tăng từ 11 - 13%, với 409 triệu con gia cầm, 11,6 tỷ quả trứng sẽ phần nào bù đắp được thiếu hụt nguồn cung từ thịt lợn.
Về đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, 8 tháng vừa qua, sản lượng đã tăng trưởng 5,7%, và dự kiến trong cả năm 2019 này, sản lượng thủy sản sẽ tăng 8%, đảm bảo cả chỉ tiêu xuất khẩu và tăng trưởng.
Tổng kết tiêu hủy lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi tháng 8 so với tháng 7 giảm 20%, so với tháng 5 tháng 6 giảm 35 - 40% là số liệu rất khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học thích ứng với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Thiếu hụt nguồn cung thịt lợn do tác động của dịch tả lợn châu Phi sẽ được bù đắp bằng các sản phẩm thay thế gồm gia súc, gia cầm, thủy sản, do đó, dự báo, giá thịt lợn sẽ có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm 2019, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán nhưng sẽ không có biến động nhiều.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet