Tuy nhiên, biến động lớn là giá lợn cai sữa tăng từ 195 nhân dân tệ (27 USD) vào đầu tháng 1/2024 lên hơn 600 nhân dân tệ (85 USD) hiện tại. Đồng thời, chi phí thức ăn chăn nuôi đã giảm mạnh với giá ngô là 5,73 USD/giạ và bột đậu tương giảm xuống còn khoảng 450 USD/tấn. Vì vậy, các nhà sản xuất ở Trung Quốc đang phân vân để quyết định xem có nên cắt lỗ ngay bây giờ và thoát ra hay không, hoặc cố gắng tiếp tục với hy vọng thu được lợi nhuận lớn trong tương lai.
Tháng 4 là thời điểm các doanh nghiệp chăn nuôi lợn niêm yết công khai công bố báo cáo thường niên, tính đến thời điểm hiện tại chỉ có 4 doanh nghiệp công bố, đó là công ty Jingji Zhinong, Superstar Agriculture and Animal Husbandry, Hefeng Co., Ltd. và Zhenghong Technology. Hầu hết các công ty chăn nuôi lợn sẽ đợi đến giây phút cuối cùng mới công bố báo cáo thường niên của mình.
Số lượng lợn nái thực tế ở Trung Quốc hiện vẫn còn hơn 40 triệu, giảm so với 42,98 triệu trong cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số liệu thực tế có thể ít hơn nhiều do dịch bệnh tái phát. Ở vùng Đông Bắc Trung Quốc và Sơn Đông có báo cáo thiệt hại 30-40%.
Giá thịt lợn đạt mức cao nhất khoảng 26 nhân dân tệ vào tháng 10/2022, nhưng đến cuối năm 2022 đã giảm 40% xuống còn khoảng 15 nhân dân tệ và vẫn ở mức dưới 20 nhân dân tệ kể từ đó đến nay.
Số lượng lợn ở Trung Quốc giảm mạnh từ năm 2018 đến năm 2021 do dịch tả lợn châu Phi bùng phát, sau đó Trung Quốc khuyến khích người chăn nuôi lợn mở rộng sản xuất nhằm ổn định nguồn cung.
Theo báo cáo ngày 11/4/2024 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc năm 2024 dự kiến sẽ đạt khoảng 56 triệu tấn. Mặc dù thấp hơn mức của năm 2023 nhưng vẫn cao hơn khoảng 50% so với khoảng 36 triệu tấn năm 2020 và cũng cao hơn so với năm 2017, trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.
Ông Kenshi Momosaki – chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản thuộc Bộ Nông Lâm nghiệp và Thủy sản cho biết: Do tác dụng của các chính sách mạnh mẽ như áp đặt mục tiêu về số lượng lợn, cân bằng cung cầu ngày càng dễ dẫn đến tình trạng dư cung.
Trước đây, khi giá thịt lợn tại Trung Quốc sụt giảm kéo dài do dư cung, nông dân đã ngừng chăn nuôi lợn và một số doanh nghiệp nhỏ phải phá sản. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cung, khiến giá tăng mạnh và tạo ra chu kỳ số lượng lợn và giá thịt lợn tăng giảm theo chu kỳ.
Ông Ruan Wei thuộc Viện nghiên cứu Norinchukin của Nhật Bản cho biết: “Các công ty đã trở nên vững vàng hơn do vốn và quy mô tăng lên và không còn dễ dàng thoát khỏi thị trường ngay cả khi giá giảm, khiến cơ chế tự phục hồi giá kém hiệu quả hơn”. Nhưng khả năng phục hồi của các công ty chăn nuôi lợn lớn hiện đang được thử thách. Sự gia tăng các vụ phá sản tại các công ty lớn có thể gây ra những cú sốc nguồn cung bất ngờ trong tương lai.
Chính phủ Trung Quốc đang bắt đầu thực hiện các biện pháp nghiêm túc, công bố kế hoạch giảm mục tiêu đối với lợn nái sinh sản khoảng 5% kể từ tháng 3/2024, dưới mức 41 triệu xuống còn 39 triệu trước đó, nếu đạt 92% mục tiêu đó - hoặc khoảng 35,9 triệu con lợn nái - là mức chấp nhận được mà không cần báo động, nới lỏng so với ngưỡng 95% trước đó.
Ông Li Xuelian – chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Marubeni, cho biết: “Nếu tình trạng dư cung được giải quyết ổn định, có thể là yếu tố đẩy giá thịt lợn tăng cao”.
Giá thịt lợn có tác động đáng kể đến xu hướng giá cả chung ở Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3/2024, do Cục Thống kê Quốc gia công bố vào ngày 11/4/2024 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng tháng thứ hai liên tiếp nhưng thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% của chính phủ khi chỉ số này dao động gần bằng 0.
Trong khi giá thịt lợn giảm dẫn đến áp lực giảm chỉ số CPI, áp lực giảm phát có thể giảm bớt ở mức độ nhất định nếu giá thịt lợn bắt đầu tăng trong thời gian tới.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm số lượng lợn nuôi cũng có thể tác động đến thị trường ngũ cốc toàn cầu, bởi vì “nhu cầu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi giảm sẽ gây áp lực giảm giá trên thị trường quốc tế đối với các loại ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi như ngô và đậu tương.