Hàng trăm hộ chuyên nghề nuôi cá lóc ở tỉnh Trà Vinh đang bị thua lỗ nặng do giá thức ăn thủy sản tăng cao, trong khi đầu ra và giá cá lóc thương phẩm được thương lái thu mua hạn chế và chỉ ở mức 30.000 đồng/kg.
Lần đầu tiên người nuôi cá lóc ở Trà Vinh bị thua lỗ thê thảm vì giá cá lóc thương phẩm giảm mạnh hiện chỉ còn 25.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có thương lái chịu mua.
Bình quân người nuôi cá lóc hiện tại bị lỗ từ 5.000 – 6.000 đồng/kg và phải tự thu hoạch dần đem bán tại các chợ truyền thống trong tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Nhứt, hộ chuyên nuôi cá lóc ở xã Đại An, huyện Trà Cú cho biết, từ tháng 6/2021 cho đến nay, giá thức ăn dành cho cá không ngừng tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/kg so với trước đó.
Trong khi đó, để nuôi cá lóc đạt trọng lượng 01 kg/con, người nuôi phải bỏ ra chi phí khoảng 30.000 đồng/kg.
Với giá cá lóc thương phẩm như hiện nay từ 30.000 – 32.000 đồng/kg, người nuôi chịu thua lỗ khoảng 5.000 đồng/kg cá thương phẩm do giá thức ăn tăng cao và chi phí về tỉ lệ hao hụt cá giống trong quá trình nuôi.
Ông Nguyễn Văn Nhứt cho biết thêm, không chỉ thua lỗ người cá lóc hiện còn gặp khó khăn về đầu ra tại thị trường trong tỉnh. Hiện tại, các thương lái thu mua cá lóc thương phẩm đều thu mua hạn chế về số lượng.
Khi cá lóc đạt trọng lượng 0,8 – 1,2 kg/con người nuôi không bán được tập trung trong một thời gian ngắn, phải neo cá trong ao, tốn thêm chi phí thức ăn, nhưng mức tăng trọng của cá đạt rất thấp ở giai đoạn này.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tính đến đầu tháng 5/2022, toàn tỉnh Trà Vinh có 665 lượt hộ thả nuôi cá lóc trên diện tích 119 ha mặt nước ao, với hơn 46 triệu con giống, sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng hơn 25.000 tấn cá.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, nghề nuôi cá lóc trong tỉnh trong nhiều năm đã qua luôn gặp khó về thị trường đầu ra và giá cá không ổn định.
Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân nuôi các lóc nên chọn phương cách thả con giống luân canh để giảm thu hoạch tập trung, hạn chế được tình trạng cung vượt cầu bị rớt giá.
Nông dân cần có sẵn ao nuôi cá dư phòng khi thu hoạch chọn cá chưa đạt kích cở nuôi tiếp để bán được giá./.

Nguồn: bnews.vn