Togar Sitanggang, Phó chủ tịch tập đoàn GAPKI, phát biểu trước Quốc hội Indonesia rằng có thông tin cho biết cơ quan chức năng đang lên kế hoạch hạn chế xuất khẩu tới 20%.
Ông cũng nói rõ: "Bộ Thương mại đang soạn thảo một kế hoạch hạn chế xuất khẩu ... Những gì chúng tôi nghe được là quy định đang được soạn thảo”.
Phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp kêu gọi các nhà sản xuất dầu cọ phải đáp ứng nhu cầu trong nước trước khi xuất khẩu.
Nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới đang cố gắng kiềm chế đà tăng của giá dầu ăn trong nước.
Giá dầu cọ thế g iowis cao kỷ lục trong bối cảnh nhu cầu hồi phục từ các nước nhập khẩu lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi sản xuất ở Indonesia và Malaysia chậm lại.
Trong khi đó, trả lời vấn đề của lãnh đạo tập đoàn GAPKI, quan chức Bộ Thương mại Indrasari Wisnu Wardhana, trong một văn bản đã phủ nhận một kế hoạch như vậy. Ông nói: “Cho đến nay không có quy định mới nào ngoài những gì đã được công bố bởi bộ trưởng thương mại.
Các quy định được công bố hôm thứ Ba (18/1) yêu cầu các chuyến hàng xuất khẩu kể từ ngày 21/1 được sự chấp thuận của cơ quan chức năng (đối với xuất khẩu dầu cọ thô, dầu ăn đã qua sử dụng và dầu cọ tinh chế, dầu olein cọ tẩy trắng và khử mùi (RBD). Các quy định đó sẽ áp dụng trong sáu tháng. Các nhà xuất khẩu hiện chỉ phải làm thủ tục khai báo hải quan cho lô hàng xuất khẩu.
Giá dầu cọ hợp đồng tham chiếu tại Malaysia đã tăng 3,2% trong phiên giao dịch sáng 19/1 di phản ứng với chính sách của Indonesia và trong bối cảnh giá dầu thô gia tăng mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi cho biết chính phủ nước này bắt đầu thực hiện chính sách một giá đối với dầu ăn. Theo đó, từ 0 giờ ngày 19/1, giá mặt hàng thiết yếu này được ấn định ở mức 14.000 rupiah (gần 1USD) mỗi lít.
Phát biểu họp báo ngày 18/1, Bộ trưởng Lutfi cho biết mức giá này được áp dụng đối với tất cả các loại dầu ăn đóng gói, từ cao cấp đến loại đóng gói đơn giản, để tiêu thụ trong các hộ gia đình, cũng như tại các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Trước đó hôm 3/1, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã thúc giục Bộ trưởng Thương mại Muhammad Lutfi và các quan chức Bộ này đảm bảo ổn định giá dầu ăn trong nước và sinh kế của người dân sau khi giá cả mặt hàng này tăng vọt theo xu hướng của thị trường xuất khẩu dầu cọ thô thế giới. Tổng thống Jokowi đề nghị Bộ trưởng Lutfi thực hiện một số biện pháp, trong đó có việc can thiệp vào thị trường nếu cần, nhằm duy trì giá dầu ăn ở mức phải chăng, đồng thời yêu cầu các công ty tư nhân, doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực khai khoáng, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước trước khi xuất khẩu sản phẩm của mình.
Giá dầu ăn tại Malaysia hiện đã cao hơn khoảng 40% so với một năm trước đây, phù hợp với giá dầu cọ toàn cầu cao.
Khảo sát của Trung tâm thông tin giá thực phẩm chiến lược quốc gia cho thấy giá hai sản phẩm dầu ăn có thương hiệu tại Indonesia đã tăng lên mức 20.200 rupiah (1,41 USD) và 20.400 rupiah (1,42 USD) mỗi lít, trong khi dầu ăn đóng gói lớn được bán với giá 18.500 rupiah (1,29 USD) mỗi lít. Trong khi đó, giá dầu cọ thô toàn cầu ở mức 1.305 USD/tấn, tăng 27,17% so với đầu năm.