Tại Thái Lan, gạo 5% tấm tăng 7 USD/tấn so với tuần trước, từ 425 - 439 USD/tấn lên 425 - 447 USD/tấn trong tuần này. "Đồng baht đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao so với USD và điều ngày đã hạn chế người mua", Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thái Lan, đồng baht mạnh đã khiến xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2019 giảm 32,5%. Tuy nhiên, đồng tiền đã suy yếu sau đó và xuống thấp nhất hơn 7 tháng so với USD vào ngày 7/2, chủ yếu do tác động của sự bùng phát virus corona tại Trung Quốc.
Giới kinh doanh gạo nhận định giá gạo Thái Lan sẽ vẫn ở mức cao hơn so với các đối thủ, vì hạn hán diễn ra tại nhiều khu vực trồng lúa và ảnh hưởng tới sản lượng. Theo Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, năm 2020, nước này sẽ chỉ xuất khẩu được 7,5 triệu tấn gạo, thấp nhất trong 7 năm, và lưu ý rằng Thái Lan có thể mất vị thế nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai của thế giới.
Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, đạt 371 - 376 USD/tấn, so với 370 - 375 USD/tấn cách đây một tuần. "Nhu cầu từ các quốc gia châu Phi đang chậm lại", Reuters dẫn lời một xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, miền Nam bang Andhra Pradesh, cho biết.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm không đổi so với tuần trước ở 355 - 360 USD/tấn, trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona gây áp lực lên hoạt động bán hàng.
"Nhiều khách hàng của chúng tôi đã hủy hành trình tới Việt Nam để kiểm tra chất lượng gạo", Reuters dẫn lời một thương nhân tại TP HCM chia sẻ.
Trong khi đó, vụ lúa Đông - Xuân đang vào đợt thu hoạch cao điểm và sẽ kết thúc vào cuối tháng này.
Dữ liệu Hải quan công bố trong tuần này cho thấy khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 1 đã giảm 4,6% so với năm ngoái xuống 410.855 tấn. Theo giới thương nhân, lo ngại về diện tích trồng lúa giảm vì nhiễm mặn đã giúp giá không giảm.
Tại Bangladesh, sản lượng gạo trong năm nay tính tới tháng 6 dự báo đạt mức cao kỉ lục 37,2 triệu tấn, theo ước tính sơ bộ từ cơ quan thống kế.
"Nỗ lực của chúng tôi đã có hiệu quả", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Bangladesh Abdur Razzak cho biết. Cũng theo ông Razzak, chính phủ đang trợ cấp để mua thiết bị hiện đại nhằm thúc đẩy sản lượng và giảm thiểu chi phí.
 

Nguồn: VITIC/Reuters