Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 12/2022, XK thủy sản của cả nước đạt 785 triệu USD, tiếp tục mức giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng liên tục trong 10 tháng đầu năm nên cả năm 2022, ngành thủy sản XK đã cán địch 11 tỷ USD, tăng gần 24% so với năm 2021.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng XK giảm sâu trong tháng 12/2022. Trong đó, XK tôm giảm 21% so với cùng kỳ đạt 260 triệu USD, sau khi giảm 18% trong tháng 11. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2022, ngành tôm đã ghi nhận kỷ lục trên 4,3 tỷ USD, trong đó tôm chân trắng đạt 3,1 tỷ USD, tôm sú đạt gần 570 triệu USD, tôm hùm 278 triệu USD, còn lại là các loài tôm song và tôm biển khác.
Tương tự, mặt hàng cá tra đã mang về hơn 2,4 tỷ USD, tăng 52% so với năm 2021. Trong tháng 12, XK cá tra cũng giảm mạnh 23% so với cùng kỳ đạt 166 triệu USD.
Mặc dù cũng sụt giảm 22% trong tháng 12 với doanh số trên 68 triệu USD, nhưng ngành cá ngừ đã cán mốc 1 tỷ USD lần đầu tiên trong hơn 20 năm XK. XK mực bạch tuộc mang về 764 triệu USD, tăng 26% so với năm 2021.
Các sản phẩm cá khác như cá cơm, cá nục, cá thu và nhiều loài cá biển khác đã đóng góp doanh số lớn 2 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn 22% so với năm 2021.
Tháng 12, mặc dù XK sang hầu hết các thị trường và khối thị trường đều sụt giảm nhưng XK sang Trung Quốc và Hongkong vẫn tăng 17% mở ra tín hiệu lạc quan về thị trường này trong thời gian tới. Cả năm 2022, thị trường Trung Quốc-Hongkong đã mang về trên 1,8 tỷ USD cho ngành thủy sản Việt Nam, tăng 59% so với năm 2021.
XK sang các nước ASEAN vẫn giữ được đà tăng trưởng dương 27% trong tháng 12 và khối thị trường này đã đóng góp 790 triệu USD cho thủy sản Việt Nam trong cả năm 2022.
XK sang Mỹ giảm mạnh nhất, 40% trong tháng 12 và cả năm 2022 XK sang thị trường này đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2021. XK sang EU đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 20%, riêng trong tháng 12, thị trường này giảm 32% NK thủy sản Việt Nam. Nhật Bản giữ mức ổn định trong tháng 12 và cả năm XK sang đây đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 28%.
Khối các nước CPTPP đóng góp cho ngành thủy sản Việt Nam hơn 2,8 tỷ USD trong năm 2022, tăng 30% so với năm 2021.
Theo nhận định của VASEP, kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát đang khiến cho nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của các thị trường giảm mạnh. khó khăn lớn nhất của ngành thủy sản hiện nay là thiếu đơn hàng vào ngay mùa cao điểm tiêu thụ. Việc phục hồi như thế nào là rất khó nói trước vì còn phụ thuộc vào triển vọng của nền kinh tế trong tương lai, nhưng khả năng cao là tình trạng thiếu hụt đơn hàng tiếp tục kéo dài đến hết quý 1/2023.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng nhận định, những tháng cuối năm 2022 là mùa cao điểm sản xuất và xuất khẩu thì lại rất khó khăn. Dự báo tình trạng này còn kéo dài qua năm 2023 khi ở thời điểm hiện tại, các hợp đồng gối đầu theo thông lệ khách hàng vẫn e dè.
Dự báo XK trong quý 1/2023 sẽ không thể giữ được kết quả tích cực như năm 2022 và thị trường có thể sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2023. Do vậy, dự báo năm 2023, kim ngạch XK thủy sản có thể giảm nhẹ, chỉ còn khoảng trên 10 tỷ USD. 

Nguồn: Haiquanonline