Sau 2 năm triển khai chương trình hợp tác, tiêu thụ nông sản an toàn, đến nay, hàng trăm tấn nông sản an toàn của tỉnh Tuyên Quang đã được đưa thành công vào hệ thống phân phối của Hà Nội, giúp giải quyết đầu ra của sản phẩm và cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân thủ đô.
Là địa phương miền núi, có đầy đủ các điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai để sản xuất nông sản, tỉnh Tuyên Quang có nhiều đặc sản được người tiêu dùng Hà Nội đánh giá cao về chất lượng như cam sành Hàm Yên, chè xanh Làng Bát, mật ong rừng… Tuy nhiên, do khâu xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý chưa được thực hiện tốt, sản phẩm của tỉnh hay bị nhầm lẫn với các địa phương khác. Chưa kể, thị trường tiêu thụ bấp bênh khiến nông sản Tuyên Quang không ít lần rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”.
Thực hiện chương trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn với thị trường thủ đô, từ năm 2014, hai địa phương đã tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác liên kết nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm về Hà Nội. Doanh nghiệp (DN) Tuyên Quang được tạo điều kiện tham gia các chương trình hội chợ để quảng bá thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn, giới thiệu những mô hình nông nghiệp và sản phẩm làng nghề tiêu biểu. DN phân phối Hà Nội được tạo điều kiện tiếp xúc với các DN sản xuất địa phương để tìm kiếm những sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ. Nhờ đó, lượng tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Tuyên Quang tại thị trường thủ đô tương đối lớn.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, một lượng lớn nông sản của Tuyên Quang được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội như 90 tấn cam sành Hàm Yên, 710kg chè Bát Tiên Mỹ Bằng, 200kg chè xanh Làng Bát, 26,5 tấn miến dong Hợp Thành, 1.990 chai mật ong rừng, 690 hộp phấn hoa, 1,5 tấn cá lăng, 4 tấn rau an toàn Hồng Thái. Các sản phẩm này được hai địa phương kiểm soát chặt chẽ về chất lượng nhằm bảo đảm nguồn hàng đưa đến thị trường thủ đô là an toàn; tiêu thụ qua kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội như: Fivimart, Biggreen, An Việt, Tây Bắc....
Đặc biệt, cam sành Hàm Yên - một trong những loại đặc sản nổi tiếng nhất của Tuyên Quang - đang vào vụ tiêu thụ chính. Với diện tích trên 6.000ha, trong đó có hơn 3.000ha đang cho thu hoạch, dự kiến sản lượng cam toàn tỉnh trong năm 2016 có thể đạt 7 vạn tấn. Được người tiêu dùng thủ đô ưa chuộng bởi chất lượng rất tốt, các DN, hộ gia đình sản xuất cam sành Hàm Yên tại Tuyên Quang đang không giấu kỳ vọng lượng cam tiêu thụ tại thị trường thủ đô có thể vượt xa con số 90 tấn trong năm nay.
Năm 2017, ngành nông nghiệp Hà Nội và Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh hợp tác trong 3 lĩnh vực: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung ứng vật tư đầu vào, liên kết tiêu thụ sản phẩm, liên kết hợp tác đầu tư. Trong thời gian tới, các DN tỉnh Tuyên Quang được khuyến cáo đẩy mạnh công tác giám sát, chứng nhận chất lượng sản phẩm để ngày càng có nhiều sản phẩm nông sản bảo đảm các tiêu chí chất lượng để tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích của Hà Nội.Các DN cũng sẽ tiếp tục nhận được các chương trình xúc tiến quảng bá thương hiệu để hỗ trợ kết nối tiêu thụ với thị trường thủ đô theo đúng chương trình hợp tác giữa hai địa phương.
TP. Hà Nội có 425 chợ, 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm... Trong khi đó, khả năng sản xuất tại chỗ của thành phố mới bảo đảm khoảng 69% nhu cầu thịt, 32% thủy sản, 38% gạo tẻ chất lượng, 60% rau - củ - quả và 18% trái cây tươi. Đây là điều kiện thuận lợi để nông sản, thực phẩm các địa phương thâm nhập tốt vào thị trường thủ đô.
Nguồn: Bảo Ngọc/Báo Công Thương điện tử