Ngày 7/6, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez đã đưa ra thông tin trên, và nói rằng Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới – có nguồn lú gạo giá rẻ hơn, có thể cung cấp cho Philippines.
Theo Bộ trưởng Dominguez: “Tôi nghĩ rằng sẽ có sự chuyển dịch trong việc nhập khẩu gạo, không chỉ từ Thái Lan, Việt Nam, và Myanmar mà cả của các nước khác có giá rẻ hơn nhiều”.
Nhà cung cấp chính truyền thống của Philippines là Việt Nam. Ngoài ra, Philippines cũng thường mua gạo của Thái Lan, và nhập một ít gạo Ấn Độ và các nước khác ngoài khu vực Đông Nam Á.
Nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp và kiềm chế lạm phát giá lương thực, Philippines đã hạ mức thuế “Tối huệ quốc" đối với gạo xuống còn một mức duy nhất là 35%, từ chỗ trước đây áp thuế 40% đối với gạo nhập khẩu trong hạn ngạch và 50% đối với nhập khẩu ngoài hạn ngạch, phù hợp với tỷ lệ thuế của ASEAN.
Lý giải việc giảm thuế, Chính phủ Philippines cho biết thêm là tình hình biến đổi khí hậu phức tạp là gián đoạn sản xuất lúa gạo trong nước.
philippines mua gao an do

Hình ảnh minh họa

Sau khi giảm thuế quan thì giá nhập khẩu gạo trung bình ở Philippines giảm 12,7% xuống còn 19.312 peso (404,82 USD)/tấn trong tháng 5/2021, so với 22.119 peso trong cùng tháng năm ngoái, và so với 21.066 peso trong tháng 4/2021 và 22.119 peso của tháng 3/2021, theo số liệu của Hải quan Philippines.
Quốc gia này nhiều tháng nay đã phải chống chọi với tình trạng lạm phát gia tăng, một phần do giá gạo thế giới tăng và những bất ổn trong nguồn cung lúa gạo trong nước. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo trong năm nay, Philippines sẽ là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Trong khi đó, tháng 1/2021, Bộ Nông nghiệp Philippines dự kiến sẽ nhập khẩu tối thiểu 1,7 triệu tân gạo trong năm nay để đáp ứng nhu cầu trong nước. Nước này mua 90% tổng lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam.
Dữ liệu của Chính phủ Philippines cho biết sản lượng lúa của nước này năm ngoái đã tăng lên mức cao kỷ lục, 19,3 triệu tấn. Mục tiêu của Bộ Nông nghiệp là 20,5 triệu tấn lúa trong năm nay.
Mỗi năm có khoảng một nửa trong số các cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hình thành ở Tây Thái Bình Dương đổ bộ vào đất liền các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philippines, trong khoảng thời gian đến tháng 9.
 
 

Nguồn: VITIC / Reuters