Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, hiện tượng El Nino gây hạn hán có thể làm giảm hơn nữa sản lượng cà phê ở Indonesia, nước trồng cà phê lớn thứ tư thế giới, sau khi sản lượng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên qua do mưa lũ, đẩy giá mặt hàng này lên cao trong thời gian gần đây.
Indonesia nổi tiếng với sản phẩm robusta, loại cà phê có vị đậm và đắng độc đáo. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, sản lượng cà phê giảm khiến giá mặt hàng này leo thang, tăng tới 40% vào tháng 6.
Cơ quan thời tiết Indonesia (BMKG) ngày 14/8 cảnh báo “năm 2023, Indonesia có thể hứng chịu nhiều đợt thời tiết cực đoan, trong đó hiện tượng El Nino nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh vào các tháng cuối năm nay và đầu năm 2024”. BMKG cũng cho hay, "nếu xảy ra tình trạng khô hạn, sản lượng cà phê có thể giảm hơn nữa vào niên vụ 2024/2025".
Hiện tượng thời tiết El Nino, thường mang đến thời tiết khô và nóng kéo dài cho quốc gia nhiệt đới này, đã ảnh hưởng đến hơn 2/3 diện tích quốc gia, bao gồm Java và một phần của Sumatra, hai khu vực sản xuất cà phê trọng điểm.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê của Indonesia niên vụ 2023/2024 được dự báo đạt 9,7 triệu bao 60 kg, giảm so với mức 11,85 triệu bao trong niên vụ trước và thấp nhất kể từ niên vụ 2011/2012.
Các đồn điền ở Sumatra và Java có khả năng phải đối mặt với các đợt hạn hán kéo dài khi nhiều dữ liệu cho thấy hiện tượng El Nino sẽ tăng cường vào cuối năm nay và đầu năm sau, thời điểm quan trọng để ra hoa và tạo quả. Hầu hết các đồn điền cà phê của Indonesia đều được tưới bằng nước mưa.
Mối đe dọa khô hạn xảy ra sau khi sản lượng cà phê giảm do lượng mưa cao hơn trong vài tháng qua trên khắp Sumatra và Java. Quá nhiều mưa trong giai đoạn ra hoa có thể khiến hoa rụng trước khi hình thành quả mọng, dẫn đến năng suất thấp hơn. Năng suất cà phê ở Indonesia dao động từ 0,7-1 tấn/ha.
Cũng theo nhận định từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, Indonesia có khoảng 1,25 triệu ha đồn điền cà phê nhưng hầu hết là do các hộ gia đình nhỏ lẻ canh tác, thường sử dụng các biện pháp truyền thống và hạn chế phân bón. Do đó, các cây cà phê đã lão hóa và sản lượng không còn cao./.