Xu hướng này tạo ra thách thức mới cho các dòng cà phê cao cấp được hái thủ công ở một số nước châu Mỹ Latinh và châu Phi.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil, Cecafe xác nhận cà phê arabica của nước này đã được niêm yết trên sàn giao dịch hàng hóa liên lục địa (ICE). Đó là sự ghi nhận đối với hương vị cũng như chất lượng ngày càng được cải thiện của loại cà phê này.
Gần một nửa lượng cà phê arabica của thế giới đến từ cường quốc nông nghiệp Brazil, phần lớn được thu hoạch bằng máy trên các đồn điền lớn. Tuy nhiên, một số loại hạt cà phê phơi khô tự nhiên trước đây thường bị loại ra khỏi các hợp đồng cà phê tiêu chuẩn cao cấp trên toàn thế giới.
Giờ đây, mặt hàng này đang dần có được chỗ đứng trong các giao dịch toàn cầu. Một mặt đây là tin tức tích cực đối với người tiêu dùng yêu thích các sản phẩm cà phê, nhưng mặt khác về lâu dài sẽ tác động đến giá cà phê thế giới, đồng thời đặt ra nhiều khó khăn đối với các trang trại nhỏ tại Mỹ Latinh và châu Phi, nơi canh tác cây cà phê trên sườn dốc có bóng râm không phù hợp để thu hoạch bằng máy móc như tại Brazil.
Hợp đồng cà phê loại C giao sau trên sàn giao dịch ICE là loại cà phê arabica cao cấp sơ chế ướt do lớp vỏ màu đỏ đã được tách khỏi hạt. Từ lâu cà phê có nguồn gốc xuất xứ từ châu Phi, Colombia, Trung Mỹ và Peru luôn được đánh giá cao vì có hương vị vượt trội. Tuy nhiên, theo thời gian, nông dân Brazil đã cải thiện hương vị của hạt cà phê sơ chế khô và cà phê sơ chế bán ướt.
Cuối năm ngoái, khối lượng đáng kể cà phê sơ chế khô của Brazil và các loại cà phê sơ chế bán ướt đều đã được niêm yết trên sàn ICE. Hiện Brazil nắm giữ khoảng 30% hợp đồng giao dịch cà phê trên sàn giao dịch hàng hóa này và hầu hết trong số đó là các loại cà phê sơ chế khô.
Chủ tịch Cecafe Marcio Ferreira cho biết, chất lượng tất cả các loại cà phê của Brazil đang không ngừng được nâng cao trong những năm qua nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của ICE.
ICE đã thiết lập các tiêu chuẩn riêng cho từng loại cà phê nguồn gốc khác nhau và mỗi lô phải được phê duyệt chất lượng. Ông Ferreira thêm rằng tương đối ít cà phê Brazil được đưa vào kho hàng của ICE vì chúng thường được bán với giá cao hơn trên các thị trường đại trà.
Sự xuất hiện quy mô lớn của hạt cà phê Brazil tại các kho của ICE là mối đe dọa tiềm ẩn đối với các nhà sản xuất cà phê arabica kể từ năm 2013, khi sàn giao dịch lần đầu tiên cho phép sử dụng hạt cà phê bán cao cấp từ Brazil để thanh toán các hợp đồng cà phê arabica cao cấp.
Sự gia tăng này ban đầu đã không xảy ra vì không có nhiều cà phê cao cấp dự phòng, các thương nhân có thể bán được giá cao hơn kể cả cà phê bán cao cấp cho các nhà rang xay trên thị trường.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2020, hạt cà phê Brazil bắt đầu được tung ra ồ ạt và sau đó vào cuối năm 2022, chúng được bán ra bất chấp thực tế vào thời điểm đó, loại cà phê bán cao cấp lại có giá rất cao trên thị trường.
Mặc dù dân số thế giới ngày càng tăng và ngày càng quan tâm đến cà phê, đặc biệt là cà phê arabica cao cấp, nhưng sản lượng loại cà phê này ở nhà sản xuất hàng đầu Trung Mỹ đã bị đình trệ kể từ đầu thế kỷ này phần lớn là do giá cả.
Theo dữ liệu của Reuters, giá kỳ hạn arabica trên sàn ICE được giao dịch ở mức khoảng 1,75 USD/lb vào đầu năm 1980, cao hơn 10% so với mức giá hiện nay. Tuy nhiên, xem xét các điều khoản đã điều chỉnh theo lạm phát, giá cà phê năm 1980 tương đương khoảng 8 USD/lb cao hơn 500% so với hiện nay.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil Cecafe xác nhận một số loại cà phê của nước này đã được đem ra giao dịch trên các sàn thương mại cà phê cao cấp. Phản hồi về thông tin này, ông Dagoberto Suazo, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Miền Bắc (CECOCAFEN) ở Honduras, cho biết đây là một vấn đề đáng lo ngại. Ông Suazo nói 95% các nhà sản xuất cà phê ở Honduras có quy mô nhỏ. Dưới sự cạnh tranh trực tiếp của cà phê Brazil, các vùng trồng cà phê cao cấp tại Honduras sẽ không biến mất, nhưng tình trạng nghèo đói sẽ gia tăng. Các hộ nông dân nhỏ lẻ ở Trung Mỹ đang đấu tranh cho lợi nhuận vì với mức giá hiện nay, họ vẫn phải chi rất nhiều cho việc thuê lao động, cây giống, phân bón và thuốc trừ sâu.

Ngay cả trong những năm mà tỷ suất lợi nhuận sáng sủa, sản lượng của họ vẫn thấp, vì vậy lợi nhuận thu được từ những bao cà phê tương đối thấp, không đủ để duy trì cuộc sống. Do đó, nông dân trồng cà phê ở Trung Mỹ thường chuyển đến biên giới phía Nam nước Mỹ khi vận may của họ giảm sút trong những năm liên tiếp.
Theo Pedro Mendoza, chủ tịch Viện cà phê quốc gia IHCAFE thì lĩnh vực này nên có các nhà sản xuất lớn hơn và chuyên nghiệp. Có rất ít điều có thể làm được trên thực tế để "phi thương mại hóa" cách định giá cà phê toàn cầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters