Thư ký Thường trực Bộ Thương mại Boonyarit Kalayanamit cho biết trong cuộc họp vào cuối tháng trước, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Chính sách Gạo quốc gia đã yêu cầu các cơ quan liên quan điều chỉn giai đoạn hai của kế hoạch thúc đẩy giá gạo hữu cơ cho các năm 2022-2025. 
Theo ông Boonyarit, Thủ tướng Prayut cũng giao cho các cơ quan có trách nhiệm tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu, tạo giống cây trồng và công nghệ lúa gạo để nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nông dân, trong khi Chính phủ sẽ có thể giảm gánh nặng tài chính cho chương trình bảo đảm giá trong dài hạn.
Ông Suthep Khongmak, một thành viên đại diện cho nông dân trong Ủy ban Chính sách Lúa gạo Quốc gia, nhận xét sự không liên tục trong chính sách xúc tiến của Chính phủ là một trở ngại chính đối với canh tác lúa hữu cơ.
Ông Suthep cho biết Chính phủ vẫn chưa giải ngân khoản tiền 1 tỷ baht (khoảng 29 triệu USD) đã hứa để hỗ trợ nông dân trồng lúa hữu cơ trong giai đoạn đầu của kế hoạch phát triển lúa hữu cơ quốc gia từ năm 2017-2021.
Giai đoạn đầu tiên được hoạch định nhằm thúc đẩy và khuyến khích nông dân trồng lúa hữu cơ trên diện tích 1 triệu mẫu Thái (160.000 ha) đất nông nghiệp trong vòng 3 năm, trong khi Chính phủ cam kết hỗ trợ 2.000 baht/mẫu Thái trong năm đầu tiên, 3.000 baht/mẫu Thái trong năm thứ hai và 4.000 baht/mẫu Thái vào năm thứ ba để thuyết phục nông dân trồng lúa hữu cơ.
Ông Suthep cho rằng cùng với những thay đổi trong Chính phủ và các bộ trưởng phụ trách Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã và Bộ Thương mại, việc quảng bá gạo hữu cơ đã bị giảm sút.
Hiện Thái Lan có 700.000 mẫu Thái chuyên trồng gạo hữu cơ, chủ yếu ở vùng Đông Bắc. Ông Suthep cho biết ông đã thông báo với Thủ tướng Prayut tại cuộc họp rằng Chính phủ đang ít chú ý đến việc quảng bá gạo hữu cơ. Ông Suthep bày tỏ hy vọng rằng các cơ quan Chính phủ sẽ quan tâm nghiêm túc hơn đến kế hoạch phát triển mới trong giai đoạn 2022-2025.
Ông Suthep cho biết nông dân trồng lúa hữu cơThái Lan có tiềm năng lớn vì họ đã thành lập các doanh nghiệp cộng đồng để bán tổng cộng 100.000 tấn gạo hữu cơ thông qua xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu vào năm 2021.
Tại cuộc họp, Ủy ban Chính sách Gạo quốc gia đã phê duyệt 146 triệu baht để hỗ trợ canh tác lúa hữu cơ trong năm nay. Các cơ quan nhà nước đã được chỉ đạo giúp nông dân tiếp cận thị trường và nâng cấp các tiêu chuẩn chất lượng.
Thái Lan xuất khẩu 6,11 triệu tấn gạo các loại trong năm ngoái, tăng 6,68% so với mức 5,73 triệu tấn năm 2020, với giá trị xuất khẩu đạt 108 tỷ baht, giảm 7,14% so với 116 tỷ baht vào năm 2020.
Các lô hàng xuất khẩu năm 2021 bao gồm 2,35 triệu tấn gạo trắng (tăng 18,9%), 1,4 triệu tấn gạo Thái hom mali (giảm 1,7%), 1,4 triệu tấn gạo đồ (tăng 1,6%), 550.574 tấn gạo thơm (giảm 4,1 %), và 310.878 tấn gạo nếp (tăng 12,4%).
Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan tăng 14,8% trong năm nay lên 7 triệu tấn, nhờ nguồn cung cấp nước dồi dào, nhu cầu cao hơn do kinh tế toàn cầu phục hồi và tỷ giá hối đoái thuận lợi./.

Nguồn: BNEWS/TTXVN