Giá thép tiếp tục tăng mạnh
Giá thép tiếp tục tăng khiến nhiều chủ đầu tư phải cân đối lại chi phí. Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, giá thép tăng do các yếu tố đầu vào như than mỡ luyện cốc, thép phế... đều tăng mạnh trên thị trường thế giới.
Từ đầu tháng 3 đến nay, các hãng thép đã có nhiều lần điều chỉnh giá. Mới đây nhất, giá thép của Tập đoàn Hòa Phát đã thông báo tăng 600.000 đồng/tấn với thép cây và thép cuộn xây dựng. Nguyên nhân là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng và tập đoàn này quyết định tăng giá bán sản phẩm.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia giao dịch ở mức 627 USD/tấn, tăng mạnh 235 USD so với đầu tháng 2 vừa qua. Giá than cốc có xu hướng tăng liên tục kể từ năm 2021 đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thép.
Nhiều chuyên gia ngành thép cho rằng, giá nguyên liệu sản xuất thép, cùng với căng thẳng địa chính trị giữa Nga-Ukraine chưa thể ổn định ngay nên giá thép sẽ chưa thể trở lại mặt bằng giá thấp hơn.
Thị trường đang ở trong tình trạng gián đoạn nguồn cung và gặp sự tăng giá đột ngột. Tuy nhiên khi tình hình thế giới trở lại ổn định, giá nguyên vật liệu sản xuất giảm thì giá thép sẽ hạ nhiệt.
Giá thu mua hạt điều tươi tại Bình Phước giảm mạnh
Theo nhiều hộ dân trồng điều, đầu vụ năm nay giá thu mua hạt tươi khoảng 28.000 đồng/kg nhưng vào thời điểm này giá chỉ còn khoảng hơn 22.000 đồng/kg khiến người dân lo lắng khi đang vào vụ thu hoạch.
Trong khoảng 1 tuần qua, giá thu mua hạt điều tươi tại Bình Phước giảm từ 4.000-6.000 đồng/kg khiến người dân lo lắng khi đang vào vụ thu hoạch.
Theo nhiều hộ dân trồng điều, đầu vụ năm nay giá thu mua hạt tươi khoảng 28.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm này giá chỉ còn khoảng hơn 22.000 đồng/kg.
Hiện nay, thủ phủ điều Bình Phước không chỉ giá hạt điều tươi giảm sâu trong khoảng 1 tuần mà còn những cơn mưa liên tục xuất hiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến vụ mùa điều.
Dự báo giá đường sẽ tiếp tục ở mức thấp
Sức cầu đối với sản phẩm đường giảm trong khi các nguồn cung dồi dào khiến giá đường được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong thời gian tới.
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nửa đầu tháng 3/2022, thị trường sau Tết, mức cầu thấp kết hợp dịch Covid-19 bùng phát ở phía Bắc khiến mức cầu đối với sản phẩm đường giảm hẳn trong khi các nguồn cung dồi dào.
Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt). Cụ thể, giá đường kính trắng phổ biến ở mức 17.200 - 18.000 đồng/kg; đường tinh luyện ở 18.400 - 18.700 đồng/kg; đường vàng phổ biến ở mức 17.600 đồng/kg.
Trong tháng 2/2022, giá đường kính trắng phổ biến ở mức 17.400 - 18.000 đồng/kg; đường tinh luyện ở mức 18.400 - 18.800 đồng/kg; đường vàng phổ biến ở mức 17.600 đồng/kg; trong khi đó đường nhập lậu ở mức 16.600 - 17.800 đồng/kg.
VSSA dự báo, trong tháng 4/2022, nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục được đưa vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch từ các nước ASEAN, cộng với lượng đường sản xuất từ mía của vụ ép 2021/22, trong khi sức cầu đường sau Tết giảm sẽ khiến thị trường tiếp tục trong tình trạng thừa cung.
Do đó, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong các tháng kế tiếp và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.
 

Nguồn: VITIC/TTXVN/Baocong thuong