Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.550 đồng/kg, giá bình quân là 6.393 đồng/kg, giảm 57 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cũng giảm trung bình 8 đồng/kg, ở mức 7.733 đồng/kg; giá cao nhất là 7.950 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo có sự tăng/giảm tùy loại. Cụ thể, gạo 5% tấm có giá cao nhất 11.350 đồng/kg, giá bình quân 11.179 đồng/kg, tăng 36 đồng/kg. Trong khi đó, gạo 15% tấm có giá cao nhất 11.150 đồng/kg, giá bình quân 10.958 đồng/kg, giảm 25 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 10.950 đồng/kg, giá bình quân 10.717 đồng/kg, giảm 25 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 giảm 88 đồng/kg, giá trung bình là 11.263 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở một số giống như: IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg; OM 4218 là 7.500 đồng/kg. 
Tại Sóc Trăng, giá lúa Đài thơm 8 vẫn ổn định ở mức 8.000 đồng/kg, nhưng một số lại có sự giảm giá 100 đồng/kg như OM 5451 còn 7.800 đồng/kg, RVT còn 8.200 đồng/kg. 
Tại Kiên Giang, giá lúa đi ngang ở hầu hết các loại như: IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg. 
Giá lúa tại Tiền Giang không có sự thay đổi nhiều như: IR 50404 ở mức 6.600 đồng/kg; OC10 ở mức 6.800 đồng/kg; Jasmine là 7.200 đồng/kg.
Giá lúa ST tại Bến Tre vẫn ở mức 7.800 đồng/kg; OM 4900 ở Trà Vinh là 7.200 đồng/kg.
Giá lúa ở Hậu Giang lại có sự tăng nhẹ, như: IR 50404 là 7.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; RVT là 8.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; riêng OM 18 ổn định 7.800 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hầu hết các loại lúa duy trì ổn đinh. Giá lúa OM 18 là 6.700 - 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.800 - 7.000 đồng/kg; OM 5451 từ 6.300 - 6.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.600 - 6.800 đồng/kg; IR 50404 từ 6.200 - 6.400 đồng/kg.
Giá lúa nếp khô tại An Giang có giá từ 8.000 - 8.400 đồng/kg; nếp Long An khô từ 8.400 - 8.800 đồng/kg.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi ở mức từ 490 - 495 USD/tấn. Các nhà giao dịch cho biết họ đang đẩy mạnh thu mua gạo từ nông dân để hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu trong năm nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất cùng kỳ các năm từ 2013 cho đến nay. 
Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu tại "vựa lúa" Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023 trong tuần này do nguồn cung khan hiếm và động thái tăng giá lúa do chính phủ quy định, trong khi giá gạo Thái Lan giảm do nhu cầu yếu.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 388-395 USD/tấn, tăng so với mức từ 375 - 380 USD/tấn trong tuần trước. Ngày 7/6, Ấn Độ đã tăng giá thu mua lúa vụ mới từ nông dân thêm 7% lên 2.183 rupee/100 kg.
Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu gạo Satyam Balajee, cho biết giá lúa đã tăng tại thị trường nội địa trong một tháng qua, điều này sẽ đẩy giá xuất khẩu gạo lên cao.
Dữ liệu từ Bộ Lương thực Bangladesh cho thấy nước này đã nhập khẩu 634.000 tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong 11 tháng đầu năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 6/2023.
Bộ trưởng Lương thực Sadhan Chandra Majumder cho biết Bangladesh, quốc gia thường phải nhập khẩu gạo để đối phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai, không cần nhập khẩu gạo trong năm tài chính tới do sản lượng trong nước ở mức cao.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 490 - 495 USD/tấn, giảm nhẹ so với tuần trước. Một thương nhân tại Bangkok cho biết nhu cầu vẫn không thay đổi và nguồn cung dự kiến sẽ được bổ sung vào tháng tới trong suốt vụ thu hoạch. Một nhà giao dịch khác cho biết nhu cầu từ các nước châu Phi khá yên ắng vì giá Thái Lan cao hơn so với Ấn Độ, trong khi những lo ngại về hạn hán và xuất khẩu sang Indonesia đang làm cho giá cả tăng lên mức cao hơn.

Nguồn: Bích Hồng - Minh Hằng (TTXVN)