Tại Đông Nam Á, giá tiêu trong nước và quốc tế của Indonesia giao dịch ít. Giá tiêu nội địa Malaysia giảm do sự suy yếu của đồng Ringgit Malaysia so với USD (4,19 MYR/USD), giảm 1%.
Tại Trung Quốc ghi nhận giá hạt tiêu trắng tăng mạnh. Xuất khẩu tiêu tại các nước tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu và nhiều loại gia vị của thế giới tăng lên khiến xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam được dự báo sẽ khả quan trong thời gian tới.
Theo báo cáo hạt tiêu toàn cầu quý II/2021 của Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng hạt tiêu toàn cầu ước giảm 3% so với năm trước. Thương mại hạt tiêu toàn cầu chủ yếu được phân bổ bởi Việt Nam, Indonesia và Brazil.
Theo con số thống kê của VPA, sản lượng hạt tiêu năm nay của Việt Nam là 220.000 tấn, giảm 8%, tương đương 20.000 tấn so với vụ năm ngoái, giảm không nhiều so với dự đoán của nhiều chuyên gia.
Báo cáo của VPA tổng kết, tháng 8 và tháng 9 là giai đoạn tập trung và nguồn hàng có sẵn ở 3 quốc gia sản xuất chính. Nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh trong khi nguồn cung không tăng.
Tại Brazil, nước sản xuất tiêu đứng thứ hai thế giới, vụ thu hoạch sẽ bắt đầu vào tháng 9 với sản lượng có thể dao động trong khoảng 35.000 - 37.000 tấn.
Tại Sri Lanka, sản lượng tiêu dự kiến đạt 25.000 tấn trong năm nay và có khoảng 12.000 tấn được chuyển sang từ năm ngoái. Trừ đi mức tiêu thụ nội địa khoảng 12.000 tấn, Sri Lanka có khoảng 25.000 tấn có sẵn để xuất khẩu.
Tại Ấn Độ, sản lượng ước tính đạt 60.000 - 65.000 tấn, hiện đã kết thúc vụ thu hoạch và người trồng tiêu đang có sẵn lượng hàng để bán ra thị trường.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 23/9/2021 đến ngày 29/9/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 313,42 VND/INR, theo nguồn Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nguồn: Vinanet/VITIC