Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp FDI chiếm 32%, nắm giữ tới 65% thị phần; 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước chiếm 68%, chỉ nắm giữ 35% thị phần. Việt Nam cũng là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất Đông Nam Á.
Báo cáo của Grand View Research cũng cho rằng, những năm gần đây, ngành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tăng trưởng và phát triển khá với mức tăng trung bình đạt 13-15%/năm, sản lượng công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á với trên 30 triệu tấn (tính cả thức ăn thủy sản).
Thống kê cho thấy, do giá nguyên liệu tăng nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong quý 1/2021 cũng tăng so với quý 4/2020, Cụ thể, thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt từ 60 kg trở lên 10.357 đồng/kg (tăng 10,4%), thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu 10.601 đồng/kg (tăng 11,0%), thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng 10.702 đồng/kg (tăng 7,5%).
Trong tháng 4/2021, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tiếp tục tăng 2,7-3,3% so với 3 tháng đầu năm 2021. Như vậy, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước cũng đã tăng trung bình từ 5-6 đợt (mức tăng 200-300 đồng/kg/lần), với tổng mức tăng chung là 10-15% (tương đương 1.000-1.500 đ/kg, tùy từng loại).
Theo số liệu từ cơ quan Hải quan, năm 2020 ngô hạt nhập khẩu đạt là 12.06 triệu tấn với kim ngạch là 2,37 tỷ USD. Trong đó, 5 tháng đầu năm 2020 nhập khẩu đạt 3,27 triệu tấn với kim ngạch là 675,9 triệu USD chủ yếu từ các nước như: Argentina (39,9%), Brazil (26,6%), Ấn Độ (15,4%), Mỹ (9,8%). Như vậy, các thị trường nhập khẩu theo thuế suất MFN (5%) chiếm trên 80% tổng kim ngạch nhập khẩu ngô hạt của Việt Nam. Số thuế nhập khẩu thu từ mặt hàng ngô hạt trong năm 2020 là 2.642 tỷ đồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu đạt 4,36 triệu tấn, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2020 với kim ngạch nhập khẩu là 1,13 tỷ USD và tăng 67,11% so với cùng kỳ năm 2020 và số thuế thu từ mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm đạt 1.038 tỷ đồng. Như vậy, giá nhập khẩu mặt hàng ngô hạt bình quân 5 tháng đầu năm 2021 là 258,7 USD/tấn, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2020 (208,1 USD/tấn).
Đối với mặt hàng lúa mỳ, năm 2020, các doanh nghiệp đã thực hiện làm thủ tục nhập khẩu 775 nghìn tấn với kim ngạch là 182,4 triệu USD chủ yếu từ các nước Australia (54,3%, có thuế suất FTA là 0%), Brazil (31,6%), Argentina (12,8%). Như vậy, các thị trường nhập khẩu theo thuế suất MFN (3%) chiếm 45,7% tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, số lượng và kim ngạch nhập khẩu lúa mì tăng cả về số lượng và kim ngạch. Theo đó, lượng nhập khẩu đạt 652 nghìn tấn, tăng 32,7% và kim ngạch nhập khẩu là 167 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cũng kéo theo giá nhập khẩu trung bình 5 tháng đầu năm 2021 là 256 USD/tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (từ năm 2020 đến tháng 5/2021) và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao dẫn đến có khoảng 45 - 50% trang trại gia cầm lớn treo chuồng và khoảng 70 - 75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn. Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nước về sản phẩm gia cầm.
Lắng nghe để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trước bị tác động bất lợi của dịch Covid-19, trong quá trình xây dựng chính sách thuế, Bộ Tài chính đã kiến nghị trình Chính phủ phê duyệt và ký ban hành Nghị định 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 (có hiệu lực từ ngày 30/12/2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 và Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP.
Trao đổi về vấn đề này, bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, Nghị định 101/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành đã điều chỉnh thuế suất đối với một số mặt hàng nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 30/12/2021. Theo đó, mức thuế suất được quy định trên cơ sở các nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất tại Điều 10 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các cam kết quốc tế.
Trong đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được quy định chi tiết các nghị định ban hành Biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện cam kết trong các Hiệp định FTA.
Cụ thể, Nghị định 101/2021/NĐ-CP đã điều chỉnh giảm mặt hàng ngô (1005.90.90) có thuế suất MFN 5% về 2% và mặt hàng lúa mỳ (1001.99.99) có thuế suất MFN 3% về 0%.
Như vậy, với việc giảm thuế nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với mặt hàng ngô (từ 5% xuống 2%) và lúa mì (từ 3% xuống 0%) đã góp phần giảm giá thức ăn chăn nuôi, bình ổn thị trường thức ăn chăn nuôi gia súc và giảm chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi gia súc. Đặc biệt với chính sách ưu đãi này, Chính phủ mong muốn và luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất nói chung và các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nói riêng vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, bà Đào Thu Hương nhấn mạnh.

Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất; chi phí khác như nhiên liệu, khấu hao, nhân công, lãi vay, lương... chiếm khoảng 10-15%. Tuy nhiên, nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi lại chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm thức ăn chăn nuôi chiếm 20 - 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước, trong khi nhu cầu cần tới 27 triệu tấn các loại, chủ yếu là ngô, đậu tương, lúa mỳ, dầu động thực vật (vốn là các loại cây trồng thế mạnh của các quốc gia Nam Mỹ, Nga, Ukraina, Australia). Điều này cũng đồng nghĩa phần lớn nhu cầu nguyên liệu còn lại (chiếm tỷ trọng 70-80%) như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu phải nhập khẩu.

  

Nguồn: haiquanonline/Nụ Bùi