Theo chuyên gia phân tích Nguyễn Quang Bình, hơn 4 tháng kể từ đầu vụ, giá cà phê nội địa khó xuống dưới 31 triệu đồng/tấn. Một số khảo sát sau thu hoạch gần đây cho thấy, cà phê Việt Nam năm nay có thể không mấy khả quan.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn London có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, chốt phiên cuối tuần ở 1.342 USD/tấn. Giá arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, chốt tại 121,15 US cent/lb.
Cecafé Brazil báo cáo kết quả xuất khẩu tháng 1/2021, đã góp phần nâng kết quả xuất khẩu trong 7 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2020/21 lên 25,36 triệu bao cà phê nhân, tăng 23,59% so với cùng kỳ niên vụ trước, khiến giá arabica vẫn còn tiêu cực.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 mang lại không chỉ tiêu cực mà cũng có cả tích cực cho ngành cà phê.
Tại Ấn Độ, nhu cầu tiêu thụ cà phê đang tăng lên đáng kể và thị trường cà phê nước này đã sẵn sàng cho một quỹ đạo tăng trưởng cao hơn trong những năm tới.
Tại Kenya, thu nhập từ cà phê của nước này đã tăng gần gấp đôi trong tháng 1/2021 so với cùng tháng năm ngoái. Nhu cầu đối với cà phê Kenya rất cao, đặc biệt là loại cao cấp đã rửa sạch. Do đó, giá cà phê tại đây đã tăng một cách đáng kinh ngạc, từ mức trung bình 177,46 USD vào tháng 1/2020, giá đã tăng 64,49% lên 291,91 USD/50kg, hứa hẹn mang lại một năm khả quan cho những người nông dân tại quốc gia Đông Phi này.
Tổ chức cà phê thế giới ICO ước tính cà phê toàn cầu niên vụ 2020/21 thừa 5,27 triệu bao, với cung là 171,89 triệu bao và cầu là 166,62 triệu bao.
Tuy nhiên theo Reuters, niên vụ cà phê 2020/21, thế giới thừa 8 triệu bao và thiếu 7,75 triệu bao cho niên vụ kế tiếp 2021/22 do Brazil mất mùa. Sản lượng cà phê vụ 2021/22 của Brazil được dự đoán ở mức 53,9 triệu bao (loại 60kg), giảm 13,1 triệu bao, tương đương 20,73%.

Nguồn: VITIC/Reuters