Hợp đồng dầu cọ FCPOc3 giao tháng 8/2024 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch hôm nay tăng 40 ringgit, tương đương 1% chốt ở 4.033 ringgit (858,09 USD)/tấn. Vào giờ nghỉ trưa, hợp đồng này chốt ở 4.043 ringgit (859,12 USD)/tấn.
Đồng ringgit của Malaysia tăng 0,02% so với đồng USD. Đồng ringgit hồi phục khiến dầu cọ trở nên đắt đỏ hơn đối với các khách mua nước ngoài.
Trên sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên, giá dầu đậu tương giảm 0,25% trong khi giá dầu cọ lại tăng 0,08%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 0,15%.
Giá dầu hướng dương tăng gần đây khiến người mua chuyển sang tiêu thụ dầu cọ nhiều hơn. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá các loại dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Theo quy định của Bộ Thương mại Indonesia, nước này đã ấn định giá tham chiếu dầu cọ thô trong tháng 6/2024 ở mức 778,82 USD/tấn, giảm xuống so với mức tham chiếu 877,28 USD/tấn trong tháng 5/2024.
Sản lượng dầu thực vật của Ấn Độ trong năm 2024 được dự đoán có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ 10 – 15%.
Sản lượng được kỳ vọng tăng bởi giá cao hơn, mưa thuận lợi cũng như năng suất trong nước cao, trong đó hạt cải dầu đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng này.
Thuế nhập khẩu dầu thực vật dược dự kiến sẽ không đổi cho đến khi kết thúc cuộc tổng tuyển cử đang diễn ra.
Tổng lượng dầu thực vật nhập khẩu của Ấn Độ trong năm 2023/24 ước đạt 16,2 triệu tấn, thấp hơn so với mức 17 triệu tấn nhập khẩu của năm trước đó. Trong đó, nhập khẩu dầu cọ dự kiến sẽ giảm do mất thị phần bởi chênh lệch giá so với các loại dầu còn lại.
Theo đó, nhập khẩu dầu cọ trong năm 2024 có thể chỉ đạt 8,65 triệu tấn, giảm từ mức 10,1 triệu tấn trong năm 2023. Nhập khẩu dầu đậu tương có khả năng sẽ tăng từ mức 3,87 triệu tấn trong năm 2023 lên mức 4,2 triệu tấn vào năm 2024. Còn nhập khẩu dầu hướng dương cũng có thể tăng từ 3 triệu tấn lên 3,25 triệu tấn trong năm nay. Nhập khẩu các loại dầu khác có thể giữ nguyên mức 0,1 triệu tấn trong năm 2024.
Nhiên liệu sinh học dự kiến đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu của COP 28, đó là giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ấn Độ đã cam kết giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2070. Đẩy nhanh việc áp dụng nhiên liệu sinh học là điều cần thiết để đáp ứng các mục tiêu phát thải này. Là nước sản xuất ethanol lớn thứ ba thế giới, Ấn Độ có vị thế tốt để tăng trưởng nhanh chóng.
Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế và chi phí nguyên liệu tăng cao là rào cản đáng kể đối với việc sản xuất nhiên liệu sinh học. Việc sử dụng dầu thực vật thải (UCO) làm nguyên liệu chính có thể khắc phục được một số hạn chế. Ngoài ra, việc sử dụng hiệu quả các sản phẩm phụ của dầu diesel sinh học có thể giúp giảm giá dầu diesel sinh học, khiến cho nó có hiệu quả kinh tế hơn.
Giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp sau khi chính phủ Mỹ báo cáo nhu cầu nhiên liệu yếu ở nước này đồng thời dự trữ xăng, nhiên liệu chưng cất tăng vọt. Giá dầu thô suy yếu khiến cọ trở thành lựa chọn kém hấp dẫn hơn cho nguyên liệu diesel sinh học.