“Nhu cầu tăng từ khách hàng châu Á và châu Phi, nhưng nguồn cung hạn hẹp. Đồng rupee gần đây tăng tiếp càng khiến giá gạo tăng”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh miền Nam Ấn Độ cho biết.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá tăng 3 USD/tấn lên 447 – 451 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 9/2011, - khi Ấn Độ xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati kéo dài đã 4 năm.
Đồng rupee Ấn Độ giao dịch ở mức cao nhất gần 32 tháng, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Ấn Độ.
Xuất khẩu gạo nước này chắc chắn tăng 22% trong năm 2017 lên kỷ lục 12,3 triệu tấn do Bangladesh tăng mua vào.
Bangladesh đã nổi lên thành nhà nhập khẩu gạo lớn trong năm vừa qua do lũ lụt làm giảm sản lượng.
Ngày 1/2, giám đốc cơ quan thu mua ngũ cốc quốc gia Bangladesh cho biết nước này sẽ dừng kế hoạch nhập khẩu 150.000 tấn gạo Thái Lan (kế hoạch đã thống nhất hồi tháng 10 năm ngoái, giá giao dịch 465 USD/tấn).
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá ở mức 443 – 446 USD/tấn, FOB Bangko, so với mức 440 – 448 USD/tấn một tuần trước đây (mức cao kỷ lục kể từ tháng 6/2017).
Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan đã kêu gọi Chính phủ kiềm chế đà tăng giá của đồng baht để bảo vệ các nhà xuất khẩu, sau khi đồng tiền này tăng lên mức cao kỷ lục 4 năm so với USD.
Các nhà xuất khẩu lo ngại rằng đồng baht tăng sẽ khiến giá gạo quy theo USD tăng theo, có thể ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế.
“Mọi thứ phụ thuộc vào tỷ giá. Kinh doanh của chúng tôi trở nên khó khăn do khách hàng chê giá gạo quá đắt”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Trong khi đó, giá gạo tại Việt Nam cũng cao do tồn trữ không còn nhiều. Gạo 5% tấm giá 440 – 450 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn. Tuần trước giá đã lên mức cao kỷ lục 3 năm là 450 USD/tấn.
Tuy nhiên, các thương gia cho biết nguồn cung vẫn đủ để thực hiện hợp đồng với Indonesia (Indonesia đã mua 346.000 tấn gạo của 4 nước xuất khẩu chủ chốt, trong đó có Việt Nam).
Các thương gia dự báo giá sẽ giảm vào cuồi tháng 2, khi thu hoạch rộ lúa Đông Xuân.
“Giá có thể giảm nhưng phụ thuộc vào nhu cầu ở thời điểm diễn ra vụ thu hoạch”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Được biết, vụ này đã thu hoạch được khoảng 370.600 ha, trong tổng diện tích 1,65 triệu ha của vụ này.
Nguồn: VITIC/Reuters