Dư địa lớn từ Israel
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã chính thức được ký kết ngày 25/7/2023, sẽ mở ra cơ hội cho các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không chỉ tiếp cận thị trường Israel mà còn thâm nhập vào thị trường Trung Đông rộng lớn.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Israel đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Trong 5 năm trở lại đây, xuất khẩu (XK) cá ngừ của Việt Nam sang Israel không ổn định tăng giảm liên tục. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, XK cá ngừ của Việt Nam sang Israel đang tăng trưởng cao liên tục, có tháng tốc độ tăng lên tới 3 con số. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK sang Israel đạt gần 25 triệu USD, tăng 92% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh XK sang các thị trường chính truyền thống đều giảm, Israel đang là thị trường thay thế tiềm năng bởi đây là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao. Bên cạnh đó, Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Chính vì thế, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.
Năm nay, XK các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang Israel đều tăng so với cùng kỳ, đặc biệt là các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp. XK các mặt hàng thịt, phi lê cá ngừ đông lạnh của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 47%. Giá trị XK nhóm sản phẩm này tăng 29% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá trị XK cá ngừ đóng hộp tăng 375%, các sản phẩm cá ngừ chế biến khác tăng 83%.
Trong những năm qua, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam XK sang Israel đang phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ Thái Lan và Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường này sau Thái Lan và trước Trung Quốc. Dự kiến, Hiệp định VIFTA sẽ là cơ hội cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tăng thị phần tại thị trường này và các nước Trung Đông.
Kỳ vọng XK tăng trong cuối năm
Trong các mặt hàng thủy sản, XK cá ngừ có mức giảm sâu trong nửa đầu năm 2023. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam trong tháng 6/2023 chỉ đạt gần 65 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, XK cá ngừ của Việt Nam đạt 382 triệu USD, giảm 31% so với quý 1/2022.
XK các sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô có giá trị cao vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Giá trị XK nhóm sản phẩm này giảm 46% so với cùng kỳ. Trong khi đó, XK các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp tăng. Giá trị XK các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp trong 6 tháng đầu năm đạt gần 175 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu là do giá tăng.
Về thị trường, XK cá ngừ sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Canada.. vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trong khi đó, XK sang EU, Mexico, Israel và Thái Lan đang ghi nhận sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
XK cá ngừ sang Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 6/2023, chỉ đạt gần 26 triệu USD, giảm 48% so với cùng kỳ. Do đó, tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, giá trị XK cá ngừ sang Mỹ chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm trước, đạt 143 triệu USD.
Tuy nhiên, XK sang thị trường EU tăng liên tiếp trong 2 tháng qua. Sau khi tăng trưởng trong tháng 5/2023, XK cá ngừ sang EU tiếp tục tăng trưởng về giá trị trong tháng 6, tăng 28% đạt hơn 12 triệu USD. Nhờ đó mà tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK cá ngừ sang EU ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý tại khối thị trường này là XK sang Hà Lan liên tục tăng trưởng “phi mã” trong 2 tháng gần đây ở mức 3 con số.

Nguồn: Haiquanonline