Xuất khẩu tăng trưởng dương
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm 2021 tới nay, XK tôm Việt Nam sang EU chỉ giảm trong tháng 8 và 9 do nhà máy chế biến phải giảm công suất hoạt động để phòng dịch Covid-19, các tháng còn lại đều tăng trưởng dương.
Trong 11 tháng năm 2021, trị giá XK tôm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. trong đó, thị trường Mỹ, EU, Australia là những thị trường XK tôm tăng trưởng mạnh nhất.
Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 15%. Từ đầu năm đến nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tốt. Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU vẫn tiếp tục tăng.
Trong bối cảnh các ngành nghề đang được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA đều tranh thủ cơ hội tăng cường XK sang thị trường EU, ngành tôm Việt Nam cũng đã có sự tăng trưởng khả quan ở thị trường này sau một năm EVFTA chính thức có hiệu lực. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp tôm trong nước.
Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng thị trường này, cần giải quyết những khó khăn để gia tăng XK và xây dựng thương hiệu tôm Việt tại thị trường EU.
Theo Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, hiện nay, tôm Việt Nam chủ yếu được hưởng lợi ở các mặt hàng chế biến đơn giản gồm tôm tươi các loại HLSO, PTO, PD… vì các mặt hàng này được hưởng thuế suất ưu đãi 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Điều đáng quan tâm là tại thị trường EU, những mặt hàng này của Việt Nam phải cạnh tranh với những đối thủ đáng gờm như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và một đối thủ mạnh khác mới nổi trong 2 năm trở lại đây là Ecuador với lợi thế từ giá tôm thấp và vận chuyển dễ dàng.
Trong khi đó, chi phí nuôi tôm tại Việt Nam đang ở mức khá cao làm cho giá tôm nguyên liệu cao dẫn đến giá thành kém cạnh tranh hơn các nước cung cấp trọng yếu khác.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Việt Nam đang làm tốt hơn trong vấn đề thuyết phục khách hàng EU về chất lượng và an toàn thực phẩm, chính vì thế nước cung cấp tôm hàng đầu trước đây cho EU là Ấn Độ đang mất dần vị thế so với Việt Nam ở thị trường này.
Lợi thế cạnh tranh trên lại mang đến một thách thức khác cho ngành tôm Việt đó là vấn đề nguồn cung nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu khắt khe của EU.
Theo phân tích của Phòng kinh doanh, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, EU là một trong những thị trường có hàng rào kỹ thuật khắc khe, đặc biệt là mức cho phép dư lượng các chất kháng sinh cấm rất thấp. Trong khi ở Việt Nam chủ yếu là mô hình nuôi tôm nhỏ lẻ nên việc quản lý chất lượng còn nhiều hạn chế, do đó những nguồn cung đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cho thị trường EU còn khiêm tốn.
Chính vì vậy, muốn tiếp tục gia tăng XK tôm sang thị trường EU trong thời gian tới, vấn đề nguồn cung đạt chất lượng cần được quan tâm giải quyết.
Ngoài ra, thị trường EU đang ngày càng siết chặt vấn đề truy xuất nguồn gốc, quan tâm các sản phẩm bền vững. Vì thế ngày càng nhiều khách hàng EU yêu cầu sản phẩm tôm phải có chứng nhận ASC – chứng nhận toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm.
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp XK tôm đã tận dụng lợi thế về tay nghề chế biến cao định hướng tập trung phát triển các mặt hàng chế biến sâu như tôm Nobashi, tôm tẩm bột tươi và chiên, cùng với các mặt hàng phối chế khác để gia tăng giá trị sản phẩm.
Các doanh nghiệp cho rằng, để xúc tiến xa hơn XK tôm của Việt Nam cần có những giải pháp ở tầm vĩ mô. Chẳng hạn như nâng cao chính sách quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản để tạo ra ngày càng nhiều nguồn tôm nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn XK của EU.
Bên cạnh đó, có thể xây dựng các mô hình nuôi tôm tập trung, liên kết các hộ nuôi nhỏ lẻ để xây dựng trang trại đạt tiêu chuẩn quốc tế như ASC. Từ đó sẽ giúp tăng thêm sản lượng tôm ASC cho XK, để không chỉ đáp ứng đầy đủ yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EU mà còn tạo điều kiện nâng tầm con tôm Việt. Một yếu tố không kém phần quan trọng là sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp để đảm bảo ủy tín về chất lượng, an toàn thực phẩm, trách nhiệm của nhà cung cấp cùng nhau xây dựng thương hiệu tôm Việt tại thị trường EU.
 

Nguồn: haiquanonline/Lê Thu