Xuất khẩu bật tăng sau giãn cách
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) đánh giá, năm 2021, ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021.
Đưa ra nhìn nhận khả quan hơn cho XK tôm năm 2022, theo VASEP, con số thu về sẽ khoảng 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.
Ở góc độ địa phương, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau phân tích: “Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN chế biến, XK thủy sản và các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Thị trường XK gặp nhiều khó khăn; một số DN, thương lái giảm sức mua hoặc mua với giá thấp...”.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cũng đề cập tới góc độ giá một số vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường...) tiếp tục tăng. Do đó, sản lượng thuỷ sản nuôi trong năm tăng cao nhưng so về hiệu quả kinh tế lại giảm. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ tín dụng, ngân hàng chưa thật sự mạnh dạn cho người nông dân vay vốn để sản xuất.
Phân tích rõ hơn tình hình biến chuyển của sản xuất, XK tôm dựa trên góc nhìn từ những con số, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay: Từ tháng 10/2021 khi 19 tỉnh, thành phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, trị giá XK tôm có dấu hiệu phục hồi. Đặc biệt, từ tháng 11/2021, khi Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành chuyển chiến lược phòng chống dịch Covid-19 từ “Zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được thực thi, XK tôm đã bật tăng mạnh mẽ mặc dù trước đó, trị giá XK mặt hàng này bị sụt giảm đáng kể trong quý 3/2021 (thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch).
“Trị giá XK tôm trong tháng 11/2021 đạt 367 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, trị giá XK tôm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Mỹ, EU, Australia là những thị trường XK tôm tăng trưởng mạnh nhất. Trong khi đó, các thị trường khác chững lại hoặc giảm nhẹ, không được cao như năm trước”, bà Lê Hằng nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Thị trường thuận lợi, giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các DN chế biến, XK tôm tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Ông Trần Công Khôi thông tin thêm, sản lượng tôm nuôi cả năm nay ước đạt 970 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2020; trị giá XK tôm năm 2021 ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020. Trong khi đó, VASEP lại đưa ra dự báo khả quan hơn với trị giá XK tôm năm 2021 sẽ cán đích ở mức 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020.
Tăng cơ hội xuất khẩu vào Mỹ
Theo Tổng cục Thuỷ sản, năm 2022, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; diện tích nuôi tôm đạt 740.000-745.000 ha; sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn. Mục tiêu trị giá XK tôm đặt ra trong năm 2022 là 3,9 tỷ USD, tăng 2,63% so với năm 2021. Cũng đưa ra nhìn nhận khả quan hơn cho XK tôm năm 2022, theo VASEP, con số thu về sẽ khoảng 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.
Ở góc độ thị trường, bà Lê Hằng thông tin thêm: “XK tôm sang thị trường hàng đầu của tôm Việt Nam là Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào năm 2022 khi nhu cầu của Mỹ tăng và Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19. Đặc biệt, tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh hơn khi Ấn Độ cũng gặp nhiều rào cản do dịch Covid-19. Ngoài ra, ngành thủy sản của Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm XK từ Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11/2021”.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đây là cơ hội thuận lợi để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ XK tôm.
Để khai thác tốt cơ hội về thị trường, năng suất và chất lượng là 2 yếu tố then chốt. Vì vậy, thời gian tới phải chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là con giống, hạ tầng vùng nuôi trong chuỗi sản xuất tôm. “Chúng ta đang thực hiện 16 FTA, các thị trường đều có yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, DN chế biến cần chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.