Trung Quốc đại lục, nước trồng và tiêu thụ lúa gạo lớn nhất thế giới, cam kết tăng sản lượng mua hơn bao giờ hết trước khi thu hoạch mùa vụ, dù trước đó nước này đã dự trữ gạo, lúa mỳ đủ dùng trong một năm. Những nước nhập khẩu lúa mỳ chủ chốt khác như Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã công bố nhiều hợp đồng mua mới, trong khi Maroc lựa chọn giải pháp miễn thuế nhập khẩu lúa mỳ đến giữa tháng 6.
Philippines có đủ lượng dự trữ gạo dùng ít nhất 75 ngày
Trong thông báo phát đi hôm 28/3, Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết nước này có đủ gạo dự trữ dùng trong ít nhất 75 ngày.
Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, ông William Dar, cho biết với 2.661 triệu tấn gạo dự trữ trong dân, trong các kho của doanh nghiệp của của Chính phủ, nước ông có đủ gạo dùng trong 2 tháng tới.
Riêng Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) hiện có 9.636 triệu bao gạo dự trữ, tương đương 480.800 tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của toàn quốc trong 14 ngày.
Malaysia đủ gạo dự trữ cho 2,5 tháng
Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Malaysia cho biết nước này hiện có đủ gạo dự trữ dùng trong 2 tháng.
Malaysia mỗi tháng tiêu thụ 200.000 tấn gạo. Hiện nước này có 500.000 tấn gạo dự trữ, theo số liệu của Bộ trên. Nước này đã tích cực nhập gạo sỡm mặc dù giá cao.
Là nước tiêu thụ gạo lớn thứ 22 thế giới, Malaysia tự sản xuất lúa, nhưng vẫn phải phụ thuộc 30-40% vào gạo nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của 32,6 triệu dân.
Số ca nhiễm virus corona ở Malaysia tăng gấp đôi trong tuần vừa qua, lên hơn 2000 ca, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tới ngày 23/3 đã có 23 trường hợp tử vong.
Dưới đây là thống kê về dự trữ lương thực của Malaysia tính tới 25/3:
Singapore có đủ lương thực
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing ngày 16/3 nhấn mạnh đảo quốc này trước mắt không đối diện nguy cơ hết lương thực hoặc đồ dùng thiết yếu sau khi nước láng giềng Malaysia tuyên bố phong tỏa toàn quốc. Chính phủ nước này đã chủ động làm việc với nhiều doanh nghiệp then chốt để tăng lượng lương thực và nhu yếu phẩm dự trữ trong hai tháng qua.
Phần lớn nguồn cung lương thực của Singapore được vận chuyển qua cầu vượt biển nối với bang Johor của Malaysia. Nhiều người Malaysia sử dụng con đường này để đi làm tại Singapore mỗi ngày. Ở chiều ngược lại, người dân Singapore cũng thường xuyên qua nước láng giềng để mua sắm, du lịch hoặc làm việc.
Chính phủ Singapore thời gian qua không chỉ tăng dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm, mà còn tiến hành một chiến lược nhiều mũi nhọn nhằm đảm bảo nước này không cạn nguồn nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, Singapore sẵn sàng đẩy mạnh năng lực sản xuất nội địa cho một số mặt hàng khi cần. Đồng thời, nước này đã đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc và Ukraine.
Indonesia có đủ lúa mì cho đến tháng 6
Là nước nhập khẩu lúa mì lớn thứ 2 thế giới, Indonesia đã nhập khẩu đủ lượng dùng cho đến tháng 6 tới.
Hongkong (Trung Quốc) có đủ gạo dự trữ
Chính quyền Hongkong tuyên bố có đủ nguồn cung gạo dùng cho hơn 1 tháng. Hongkong nhập khẩu gạo chủ yếu từ Việt Nam và Thái Lan. Hiệp hội các nhà kinh doanh gạo Hongkong cho biết Chính phủ Thái Lan cam kết sẽ tiếp tục duy trì xuất khẩu cho Hongkong khi Hongkong cần.
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Hongkong đã nhập khẩu 82.000 tấn gạo, trong đó hơn một nửa của Thái Lan và khoảng 30% của Việt Nam.
Trước đây, Thái Lan chiếm 90% lượng gạo nhập khẩu vào Hongkong, nhưng gần đây thị trường này đã tăng nhập khẩu gạo Việt Nam vì giá rẻ hơn khoảng 20%.

Nguồn: VITIC tổng hợp