Hồi tháng 2/2025, Indonesia đã xuất khẩu 2,06 triệu tấn dầu cọ thô và tinh chế, mức cao nhất kể từ tháng 10/2024. Xuất khẩu tăng 45,1% so với tháng 2/2024. Indonesia là nhà sản xuất dầu nhiệt đới lớn nhất thế giới. Việc tăng xuất khẩu dầu cọ từ nước này giúp giảm lượng dầu cọ tồn kho đồng thời hỗ trợ giá, hiện vẫn cao hơn dầu đậu tương.
Việc giảm thuế xuất khẩu khiến giá dầu cọ của Indonesia thấp hơn giá dầu cọ của Malaysia, do đó chuyển sang nhập khẩu mặt hàng này từ nước có giá thấp hơn. Việc này khiến xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong tháng 2/2025 giảm 16,27% so với tháng trước đó, xuống còn 1 triệu tấn - mức thấp nhất trong 4 năm.
Dữ liệu công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất dầu cọ Indonesia (GAPKI) cho thấy, tồn kho dầu cọ của nước này hồi cuối tháng 1/2025 đã tăng 13,98% so với tháng 12/2024 bất chấp sản lượng thấp (3,83 triệu tấn), do xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng.
Quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới này đã xuất khẩu 1,96 triệu tấn sản phẩm dầu cọ, bao gồm cả dầu cọ tinh chế và dầu cọ hoá dầu trong tháng đầu năm 2025, giảm so với mức 2,06 triệu tấn xuất khẩu hồi tháng 12/2024. Lượng xuất khẩu giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
GAPKI cho rằng lượng xuất khẩu giảm do nhu cầu từ các nước mua lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan suy yếu.
Theo OleoScope, ngày 31/3/2025, giá dầu đậu tương EU (FOB) giao tháng 3 là 1.216,17 USD/tấn, dầu đậu tương (sàn Đại Liên) giao tháng 3 là 1.098,02 USD/tấn, dầu cọ RBD (sàn Đại Liên) giao tháng 3 là 1.290,67 USD/tấn.