Giảm sức cạnh tranh
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022, XK gạo đạt gần 2,77 triệu tấn, tương đương trên 1,35 tỷ USD với mức giá XK trung bình đạt 489 USD/tấn, lần lượt tăng 6,6% về khối lượng nhưng giảm 4% về trị giá và giảm 9,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 5 tháng qua, Philippines vẫn là thị truờng XK hàng đầu của gạo Việt Nam, chiếm 45,9% tổng lượng và chiếm 43,6% tổng trị giá gạo XK của cả nước. XK gạo sang thị truờng này đạt 1,27 triệu tấn, tương đương 589,81 triệu USD, tăng 34,6% về lượng và tăng 17,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Thị trường XK lớn thứ hai là Trung Quốc, chiếm trên 14% tổng lượng và chiếm 15% tổng trị giá XK.
Thời gian qua, XK gạo được nhìn nhận phải đối mặt không ít khó khăn. Theo ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing, Công ty TNHH Vrice, hiện nay thị trường châu Phi đã chuyển sang mua gạo của Ấn Độ do giá tốt và chi phí vận chuyển rẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Vị này cũng đề cập tới khía cạnh, chi phí sản xuất cùng với giá cước vận tải ở mức cao khiến gạo Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, giá cước đi các cảng chính tại EU vẫn ở mức 9.000 - 10.000 USD/container 20 feet. Tình trạng thiếu container rỗng vẫn diễn ra, khiến lợi nhuận DN giảm mạnh. Nhiều đơn hàng bán CIF (giá bán tại cửa khẩu của bên nhập đã bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hóa tới cửa khẩu của bên nhập-PV) có thể bị lỗ.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phân tích: nếu xét về cạnh tranh giá, gạo Việt Nam khó so được với gạo Ấn Độ, vì hiện tại đến 80% sản lượng gạo Việt Nam đã chuyển từ phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao. Bên cạnh đó, giá phân bón, vật tư nông nghiệp đã tăng cao trong thời gian qua cũng tác động trực tiếp tới giá thành phẩm.
“Giai đoạn hiện nay, các DN XK muốn giữ vững phong độ XK phải ổn định sản lượng và giảm chi phí sản xuất mới có lợi nhuận”, ông Phan Văn Có nhấn mạnh.
Xuất khẩu cả năm vuợt 6,4 triệu tấn
Dù đang đối mặt khó khăn, song theo Bộ Công Thương, với nhu cầu mua gạo của các thị trường đang tăng, dự báo những tháng cuối năm XK gạo sẽ khởi sắc hơn, đặc biệt tại thị trường Philippines và Trung Quốc. Lý do là sản lượng gạo Trung Quốc bị giảm sút do ảnh hưởng của lũ lụt và nguồn gạo dự trữ của Philippines cũng đang giảm mạnh. Dự báo, XK gạo cả năm nay sẽ đạt trên 6,4 triệu tấn, cao hơn khoảng 200.000-300.000 tấn so với năm 2021.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng nhận định, XK gạo đang khá sôi động do nhu cầu tăng mạnh từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Ngoài ra, XK gạo sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong cả năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Phân tích sâu ở góc độ cơ cấu mặt hàng sản xuất, XK cũng như giá cả, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, những năm về trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35 - 40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo thì đến năm 2020 con số này đã đạt từ 75 - 80%, đã đưa giá gạo XK của Việt Nam tăng lên rất nhanh trong vài năm gần đây.
Cập nhật số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy: ngay trong ngày 10/6, giá gạo XK 5% tấm, 25% tấm và 100% tấm của Việt Nam cũng ở mức cao hơn hẳn so với giá gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan, lần lượt là 423 USD/tấn; 403 USD/tấn và 378 USD/tấn. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam thấp hơn một chút so với các mức giá 438 USD/tấn; 429 USD/tấn và 416 USD/tấn của gạo Thái Lan. Dự báo, giá gạo XK trong thời gian tới khó có thể tăng cao.
Cơ cấu gạo XK của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Để nâng cao hiệu quả XK gạo, bà Thủy cho rằng, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu NK của từng thị trường, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm… Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA)...

Nguồn: haiquanonline