Xuất khẩu tăng trưởng ở tất cả các nhóm sản phẩm chủ yếu như: Các sản phẩm ngũ cốc tăng 12% so với năm 2020, xuất khẩu dầu mỡ tăng 48%, cá và thủy sản tăng 25%, sản phẩm thịt tăng 32%, sữa tăng 30%, sản phẩm công nghiệp chế biến và thực phẩm tăng 15%, các sản phẩm khác tăng 12%.
Năm 2021, Nga xuất khẩu nông sản sang hơn 160 quốc gia; trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang Thổ Nhĩ Kỳ, đạt 4,3 tỷ USD, tăng 38%. Trung Quốc đứng thứ hai, đạt 3,6 tỷ USD, giảm 12%. Tiếp sau đó là Kazakstan đạt 2,8 tỷ USD, tăng 33%, Hàn Quốc đạt 2,5 tỷ USD, tăng 41% và Belarus đạt 1,8 tỷ USD, tăng 28%.
Ngũ cốc
Năm 2021, xuất khẩu ngũ cốc của Nga đạt 43 triệu tấn, tương đương 11 tỷ USD, giảm 12% về khối lượng, nhưng tăng 12% về giá trị; trong đó lúa mì đạt 8,9 tỷ USD, tăng 8,4%, lúa mạch 1,3 tỷ USD, tăng 16%, ngô 1 tỷ USD, tăng 45%, xuất khẩu tam giác mạch tăng 51%, yến mạch tăng gấp 3,3 lần và lúa mạch đen tăng gấp 11,8 lần.
Ngũ cốc vẫn giữ vị trí hàng đầu trong xuất khẩu nông sản của Nga, chiếm 31% trong tổng lượng xuất khẩu nông sản năm 2021.
Theo Cơ quan Hải quan Liên bang Nga, thị trường nhập khẩu ngũ cốc hàng đầu của Nga vẫn là Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Trong năm 2021, xuất khẩu ngũ cốc sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt hơn 9 triệu tấn (tăng 0,5%), trị giá 2,4 tỷ USD (tăng 26%); trong đó, lúa mì chiếm khoảng 75% trong tổng giá trị, lúa mạch chiếm 13%, ngô chiếm 11%. Xuất khẩu ngũ cốc sang Ai Cập đạt 5,7 triệu tấn (giảm 31%) với giá 1,6 tỷ USD (giảm 13%), hầu hết là lúa mì. Tiếp sau đó là xuất khẩu ngũ cốc sang Saudi Arabia đạt 1,7 triệu tấn (giảm 43%), tương đương 452 triệu USD (giảm 20%).
Các sản phẩm dầu mỡ
Xuất khẩu các sản phẩm dầu mỡ của Nga năm 2021 đạt 7,7 triệu tấn, trị giá 7,3 tỷ USD, giảm 5,2% về khối lượng, nhưng tăng 48% về giá trị so với năm 2020 do giá các sản phẩm hạt có dầu trên thế giới tăng mạnh; trong đó xuất khẩu dầu hướng dương đạt 3,1 triệu tấn (giảm 15%), trị giá 4 tỷ USD (tăng 42%), xuất khẩu bột Protein đạt gần 2,8 triệu tấn (tăng 2,4%), tương đương 1,1 tỷ USD (tăng 60%) ), dầu hạt cải đạt 814.000 tấn (tăng 18%) tương đương 1 tỷ USD (tăng 71%), dầu đậu nành đạt 528.000 tấn (giảm 21%) tương đương 607 triệu USD (tăng 25%), bơ thực vật đạt 297.000 tấn (tăng 27%) tương đương 415 triệu USD (tăng 81%).
Ông Mikhail Maltsev - Giám đốc điều hành Liên doanh Dầu mỡ Nga cho biết nguyên nhân khiến xuất khẩu dầu hướng dương giảm là do sản lượng thu hoạch hướng dương năm 2020 thấp và các nhà sản xuất hạn chế bán ra vào đầu niên vụ 2021/2022. Tuy nhiên, chính sách của Bộ Nông nghiệp Nga đang khuyến khích trồng các loại hạt có dầu và việc tăng thuế xuất khẩu đối với nguyên liệu thô sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành chế biến trong nước và tăng nguồn cung để xuất khẩu.
Năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu về thị trường nhập khẩu các sản phẩm dầu mỡ từ Nga, đạt 1,3 tỷ USD, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2020. Trung Quốc xuống vị trí thứ 2 với 13% thị phần, đạt 791.000 tấn (giảm 44%), trị giá 944 triệu USD (giảm 13%); trong đó, dầu hạt cải tăng từ 23% lên 43%, trong khi dầu hướng dương giảm từ 52% xuống 38% và dầu đậu nành từ 23% xuống 18%.
Na Uy đứng thứ 3 do lượng dầu hạt cải nhập khẩu từ Nga tăng, lên tới 310.000 tấn, trị giá 374 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2020 và tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu mỡ của Nga sang Na Uy tăng 2,4 lần lên 510 triệu USD.
Theo Ông Maltsev, do việc áp thuế xuất khẩu đối với dầu hướng dương, nên xuất khẩu sang các thị trường xa xôi như Trung Quốc và Ấn Độ giảm, vì thời gian từ khi ký kết hợp đồng đến khi giao hàng thực tế quá lâu. Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu tăng mạnh do thuế nhập khẩu dầu thực vật giảm và nước này muốn tăng dự trữ trong bối cảnh giá thế giới tăng. Na Uy cũng là nước tiêu thụ khá lớn các sản phẩm dầu mỡ để sản xuất thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là cho nuôi trồng thủy sản và để sản xuẩt dầu diesel sinh học. Na Uy không áp thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nông sản, bao gồm cả dầu thực vật từ Nga.
Thủy sản
Xuất khẩu thủy hải sản của Nga năm 2021 đạt 2,1 triệu tấn, tương đương 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% về khối lượng nhưng tăng 25% về trị giá; trong đó, xuất khẩu động vật giáp xác tăng mạnh 59% lên 2,7 tỷ USD, cá philê tăng 43%, lên 729 triệu USD. Xuất khẩu cá đông lạnh tăng 3,9% lên 3 tỷ USD, cá chế biến và đóng hộp và trứng cá muối tăng 23% lên 92 triệu USD, cá khô, ướp muối và hun khói tăng 54% lên 34 triệu USD.
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thủy hải sản lớn nhất của Nga đạt 2,2 tỷ USD, tăng 35%, trong đó các loài giáp xác chiếm khoảng 49%, cá đông lạnh chiếm 42%. Đứng vị trí thứ hai là Hà Lan đạt 1,5 tỷ USD, tăng 72%, chủ yếu tăng nhập khẩu động vật giáp xác. Trung Quốc xuống vị trí thứ 3 với 1,1 tỷ USD, giảm 31%, trong đó cá đông lạnh giảm 2,5 lần xuống 479 triệu USD, trong khi động vật giáp xác tăng 66% lên 565 triệu USD.
Ông German Zverev, chủ tịch Hiệp hội thủy sản Liên bang Nga (VARPE) cho biết, nguyên nhân chính xuất khẩu tăng trưởng là do giá thế giới tăng, trong khi nhu cầu cao, cũng như lạm phát lương thực trên thế giới đang tăng. Ví dụ, giá cua trong năm 2021 đã tăng mạnh làm cho kim ngạch xuất khẩu các loài giáp xác tăng 59%. Một nguyên nhân khác khiến xuất khẩu tăng là do chuyển hướng xuất khẩu từ nguyên liệu thô sang xuất khẩu thành phẩm, tăng sản lượng phi lê, cá minh thái băm nhỏ, cá tuyết và các loại cá trắng khác, sản xuất surimi cá minh thái.
Năm 2021 xuất khẩu thủy sản của Nga giảm là do kết quả của các biện pháp hạn chế do Trung Quốc đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Do đó, một lượng lớn sản phẩm cá xuất khẩu sang Trung Quốc đã được xuất khẩu qua Hàn Quốc. Xuất khẩu thủy sản sang EU và Mỹ phải vận chuyển qua Hà Lan, nhu cầu tăng đối với cá philê trắng (cá minh thái và cá tuyết) và cua đông lạnh. Do đó, việc vận chuyển năm 2021 đã trở thành một yếu tố quyết định vị trí của các nhà nhập khẩu sản phẩm thủy sản hàng đầu của Nga.
Sản phẩm thịt
Xuất khẩu thịt và nội tạng của Nga năm 2021 lần đầu tiên vượt 1 tỷ USD, đạt 533.000 tấn, tăng 2,8% so với năm 2020, trị giá gần 1,2 tỷ USD (tăng 32%); trong đó, xuất khẩu thịt gia cầm đạt 306.000 tấn, tương đương 542 triệu USD, tăng 3,5% về lượng và tăng 26% về giá trị. Xuất khẩu thịt lợn đạt 187.000 tấn (giảm 3,3%) tương đương 390 triệu USD (tăng 16%), thịt bò 33.000 tấn (tăng gấp 2 lần) tương đương 216 triệu USD (tăng gấp 2,4 lần).
Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất tiêu thụ thịt và nội tạng của Nga trong năm 2021, chiếm 67% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thịt của Nga, với 147.000 tấn, tương đương 401 triệu USD, giảm 5,6% về khối lượng và tăng 27% về giá trị.
Đứng thứ hai là Việt Nam, đạt 102.000 tấn (tăng 40%) với trị giá 188 triệu USD (tăng 34%), trong đó, thịt lợn chiếm hơn 90%. Vị trí thứ ba là Ukraine đạt 68.000 tấn (giảm 14%), trị giá 122 triệu USD (tăng 13%).
Ông Sergey Yushin, chủ tịch Hiệp hội Thịt Nga cho rằng xuất khẩu thịt trong năm 2021 đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nga vẫn là thị trường cung cấp thịt lợn hàng đầu cho Việt Nam. Đối với thịt gà, do giá thịt lợn giảm và sản lượng gà ở Trung Quốc tăng nên sức cạnh tranh của các sản phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc giảm, nguồn cung cũng giảm. Tuy nhiên, thịt gà của Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác và đã phát triển tốt ở Trung Đông và châu Phi. Đồng thời, xuất khẩu thịt bò tăng mạnh vượt dự báo trước đó là 50% do xuất khẩu sang Trung Quốc tăng, giá cả khá cạnh tranh và không thua kém về chất lượng và độ an toàn so với các nhà cung cấp khác.
Các sản phẩm sữa
Xuất khẩu các sản phẩm sữa năm 2021 đạt 243.000 tấn, tương đương 413 triệu USD, tăng 17% về khối lượng và tăng 30% về kim ngạch so với năm 2020.
Xuất khẩu pho mát đạt 35.000 tấn (tăng 17%), tương đương 126 triệu USD (tăng 31%). Xuất khẩu sản phẩm sữa chua tăng 16% lên 96 triệu USD (đạt 87.000 tấn), kem tăng 50% lên 86 triệu USD (đạt 33.000 tấn), sữa tươi tăng 18% lên 65 triệu USD (63.000 tấn), váng sữa tăng 91% lên 22 triệu USD (19.000 tấn), bơ tăng 18% lên 18 triệu USD (4.400 tấn).
Ba quốc gia nhập khẩu sản phẩm sữa hàng đầu từ Nga là Kazakhstan, Ukraine và Belarus; trong đó hơn một phần ba khối lượng được xuất khẩu sang Kazakhstan (156 triệu USD, tăng 18%), tiếp theo là Ukraine (61 triệu USD, tăng 36%) và Belarus (51 triệu USD, tăng 13%); sau đó là Mỹ tăng gấp 2,9 lần lên 30 triệu USD chủ yếu nhập khẩu kem.
Thực phẩm và sản phẩm công nghiệp chế biến
Xuất khẩu thực phẩm và các sản phẩm chế biến của Nga trong năm 2021 đã tăng 15% lên 5,2 tỷ USD, trong đó bánh kẹo và đồ uống tăng trưởng cao. Xuất khẩu các sản phẩm bánh kẹo sô cô la tăng 18% lên 872 triệu USD, các sản phẩm bánh kẹo bột tăng 23% lên 557 triệu USD, đồ uống và bia tăng 55% lên 380 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu thuốc lá điếu tăng 8,8% lên 588 triệu USD, xuất khẩu chè và cà phê tăng 21% lên 429 triệu USD.
Nga xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến và thực phẩm chủ yếu sang Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong đó Kazakhstan chiếm 26% thị phần và Belarus chiếm 12%. Xuất khẩu sang Kazakhstan năm 2021 tăng 30% lên 1,4 tỷ USD, sang Belarus tăng 16% lên 620 triệu USD, sang Ukraine đạt 338 triệu USD (tăng 16%).