Xuất khẩu sang Trung Quốc chưa bứt phá
Ngày 9/5, sau khi làm thủ tục hải quan xuất khẩu container tôm đông lạnh sang thị trường Mỹ qua Chi cục Hải quan Ninh Thuận (Cục Hải quan Khánh Hòa), chị Châu Thị Bảo Ngọc, Phòng XNK, Công ty TNHH Thông Thuận (Ninh Thuận) cho biết, xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay chưa phục hồi, đơn hàng giảm mạnh khoảng 40%. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn rất khó khăn.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thống kê của Hải quan Trung Quốc cho thấy nhu cầu nhập khẩu thủy sản của nước này đang phục hồi mạnh mẽ sau mở cửa từ đầu năm 2023.
Tuy nhiên, theo phân tích của bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP, XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn chưa hồi phục. Có những nguyên nhân từ yếu tố thị trường và cả nguyên nhân từ nội lực.
Quý 1/2023, XK thủy sản Việt nam sang thị trường Trung Quốc vẫn giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 240 triệu USD. Trong đó, chỉ có tháng 2, XK tăng trưởng 24%, trong khi tháng 1 và tháng 3 tăng trưởng âm 60% và 39%.
Top 5 sản phẩm thủy sản XK nhiều nhất sang Trung Quốc gồm cá tra, cá cơm, tôm chân trắng, tôm sú và chả cá-surimi. Trong đó, cá tra chiếm tỷ trọng chi phối 55% XK thủy sản sang thị trường này.
Do vậy sự sụt giảm XK cá tra sang Trung Quốc đã tác động đến xu hướng chung. XK tôm chân trắng, chả cá – surimi và nhiều sản phẩm khác vẫn giảm sâu. Tuy nhiên, cá cơm khô XK sang Trung Quốc đang có sức hút lớn tại thị trường này với mức tăng 50% trong quý 1. Nhiều sản phẩm chế biến khô khác như cá chỉ vàng, tép (ruốc) khô có giá trị XK tăng mạnh. Ngoài ra, tôm sú cũng đang hồi phục giá trị XK sang Trung Quốc với mức tăng 46% so với cùng kỳ.
Trung Quốc tăng nhập khẩu thủy sản
Với hơn 1 triệu tấn thủy sản nhập khẩu trong quý 1/2023, giá trị hơn 4,5 tỷ USD, khối lượng thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc trong quý 1/2023 đã tăng 17% và giá trị tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ có tháng đầu năm, lượng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc bị giảm 27% về lượng và 19% về giá trị so với tháng 1/2022 vì lý do chính nhất là: kỳ nghỉ lễ tết Dương lịch và tết Nguyên đán đều rơi vào tháng này. Từ tháng 2, nhập khẩu bắt đầu tăng mạnh lần lượt 32% và 20%.
Tháng 3/2023, tăng trưởng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đột phá nhất với mức tăng 58% về khối lượng và 51% về giá trị. Riêng trong tháng 3, Trung Quốc nhập khẩu 453 nghìn tấn thủy sản, trị giá trên 1,8 tỷ USD.
Sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu Trung Quốc chiếm 89% về khối lượng và 67% về giá trị, trong khi sản phẩm tươi, sống, ướp lạnh chiếm lần lượt 7% và 28%. Sản phẩm chế biến chỉ chiếm 2%.
Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu thủy sản cho phân khúc gia công, chế biến XK, chiếm 21% về khối lượng và 12% về giá trị. Khối lượng nhập khẩu thủy sản cho hoạt động này tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu thủy sản cho tiêu thụ trong nước của Trung Quốc chiếm 65% khối lượng và 82% về giá trị và tăng lần lượt 16% và 13% so với cùng kỳ.
Nếu xét riêng khối lượng, Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất là cá minh thái với gần 200 nghìn tấn, tiếp đến là mực với gần 94 nghìn tấn. Riêng cá tra, trong 3 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 45 nghìn tấn với giá trung bình 2,18 USD/kg, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, mức độ nhập khẩu để phục vụ cho tiêu thụ trong nước chưa hồi phục mạnh, giá trung bình nhập khẩu giảm, cùng với áp lực cạnh tranh với các nước như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia khiến cho XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc chưa bứt phá trong quý 1 năm nay.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn kỳ vọng rằng, XK sang Trung Quốc sẽ sớm hồi phục vì dự đoán tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ bùng nổ vào năm 2023, với 1,4 tỷ dân số được giải phóng khỏi các đợt phong tỏa do Covid và quay trở lại chi tiêu cho việc ăn uống bên ngoài. Người Trung Quốc đã dự trữ từ 1,5 nghìn tỷ đến 2 nghìn tỷ USD "tiết kiệm hộ gia đình dư thừa" trong thời gian phong tỏa, do vậy, dự đoán chi tiêu cho thủy hải sản sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Nguồn: haiquanonline