Đối với nguồn cũng từ khu vực Nam Mỹ, Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR) cho biết, trong vòng 72 giờ vừa qua Argentina đã ghi nhận lương mưa dao động 25-90 mm, giúp độ ẩm đất tiếp tục được cải thiện và xoa dịu ảnh hưởng của hạn hán. Trước đó, dữ liệu của BCR cho thấy có tới 90% diện tích đất nông nghiệp của Argentina nằm trong vùng ảnh hưởng của hạn hán, buộc cơ quan này phải đưa ra những cảnh báo về khả năng hoạt động trồng ngô bị trì hoãn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những cơn mưa lớn trong 3 ngày vừa qua là một tín hiệu tích cực đối với nông dân Argentina, đồng thời nâng cao triển vọng mùa vụ của nước này.
Bên cạnh đó, trong 3 tuần đầu tháng 10, mỗi ngày Brazil xuất khẩu trung bình 420.958 tấn ngô, tăng 17,9% so với khối lượng xuất khẩu trung bình hàng ngày của cả tháng 10/2022. Do đó, nhiều khả năng khối lượng xuất khẩu ngô tháng này của Brazil sẽ vượt qua mức được ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình mùa vụ tiếp tục được cải thiện ở Argentina, cùng với sự đẩy mạnh xuất khẩu của Brazil sẽ là những yếu tố “bearish” mạnh đối với giá ngô trong hôm nay. Trong phần còn lại của phiên, giá có thể giảm trở lại vùng 475-480.

Giá Arabica có thể gián đoạn đà tăng trước xuất khẩu tích cực
Kết phiên 23/10, giá cà phê nối dài đà tăng trước những khó khăn về nguồn cung. Giá Robusta ghi nhận phiên tăng thứ 8 liên tiếp và chạm mức cao nhất trong 4 tháng. Trong khi, giá Arabica cũng tăng 5 phiên liên tục và giao dịch tại mức cao nhất từ đầu tháng 8. Tồn kho Arabica trên Sở ICE-US thấp nhất trong 11 tháng và Robusta trên ICE-EU quay về vùng thấp lịch sử ghi nhận từ năm 2016 đã gây ra những lo ngại về nguồn cung, từ đó hỗ trợ giá đi lên.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại đà giảm. Trong phiên hôm qua, dữ liệu này giảm thêm 4.128 bao loại 60kg, đưa tổng mức cà phê lưu trữ hiện tại về 417.296 bao, thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2022. Hơn thế, chưa có bao cà phê mới nào được bổ sung để chờ phân loại. Điều này dấy lên lo ngại tồn kho sẽ tiếp tục giảm và giá vẫn có yếu tố hỗ trợ trong thời gian tới.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê trong 3 tuần đầu tháng 10 tại Brazil vẫn duy trì được sự tích cực, bất chấp những khó khăn trong khâu vận chuyển gần đây. Theo Ban Thư ký Ngoại thương (Secex), trung bình mỗi ngày trong 3 tuần đầu tháng 10, Brazil đã xuất khẩu 12.065,3 tấn cà phê nhân, tăng 14,7% so với số lượng trung bình hàng ngày trong tháng 10/2022. Điều này cũng khá tương đồng với thống kê từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE). Theo đơn vị này, trong 23 ngày đầu tháng 10, Brazil đã xuất đi 2,40 triệu bao Arabica dạng hạt, tăng 75% so với cùng kỳ tháng trước. Những dữ liệu trong xuất khẩu cà phê ở Brazil có thể làm dịu đi tâm lý lo ngại trong vận chuyển của thị trường, từ đó hạn chế đà tăng hiện tại.

Giá kim loại quý có thể tăng nhờ vai trò trú ẩn, giá đồng giằng co
Giá đồng bật tăng mạnh trong phiên sáng nay nhờ vào kỳ vọng Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, tiếp tục kích thích kinh tế. Cụ thể, theo Reuters, Trung Quốc chuẩn bị phê duyệt hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 137 tỷ USD) phát hành nợ chính phủ bổ sung vào ngày 24/10. Đây là một trong những biện pháp mới nhất mà Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện để thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng và khuyến khích tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh giá đồng đang phải chịu sức ép lớn từ yếu tố tiêu thụ kém sắc, kỳ vọng Trung Quốc tiếp tục kích thích kinh tế đã củng cố cho tâm lý lạc quan trên thị trường và hỗ trợ cho giá đồng tăng trong phiên sáng. Nếu những kỳ vọng này được xác nhận, đà tăng giá có thể tiếp tục được duy trì. Trái lại, nếu Trung Quốc không công bố việc phát hành nợ, giá có thể suy yếu trở lại trong phiên tối.
Hơn nữa, về yếu tố vĩ mô, Anh vừa mới công bố số liệu cho thấy thị trường lao động tiếp tục hạ nhiệt. Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất tại khu vực này tiếp tục thu hẹp và không đạt được kỳ vọng của thị trường. Điều này có thể khiến đồng bảng Anh và đồng euro suy yếu, đồng thời, chỉ số Dollar Index sẽ được hỗ trợ. Theo đó, đồng USD mạnh lên có thể gây sức ép tới giá đồng trong phiên.

Giá dầu có thể giảm tiếp diễn khi rủi ro địa chính trị lắng xuống
Sau chuỗi ngày tăng mạnh do lo ngại rủi ro xung đột ở khu vực Trung Đông gia tăng thì hiện tại tâm lý thị trường đã ổn định trở lại sau khi các quốc gia tăng cường nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông. Điều này đã làm giảm bớt lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu.
Trước đó, các nhà giao dịch đã tăng cường vị thế mua dầu do lo ngại xung đột sẽ leo thang. Tuy nhiên, sau khi có sự can thiệp quốc tế, các lo ngại xung đột lan rộng đã được kiểm soát. Điều này thúc đẩy thị trường đóng trạng thái mua trước đó.
Theo Reuters, vị thế mua ròng dầu thô WTI đã giảm xuống 183 triệu thùng từ mức 286 triệu thùng từ ba tuần trước đó. Điều này cho thấy thị trường đã có sự thay đổi trong các chiến lược dài hạn. Khi các nhà đầu cơ giảm vị thế mua, đồng nghĩa với lo ngại giá sẽ đảo chiều giảm trước ngày đáo hạn.
Tâm điểm của thị trường cũng tập trung vào chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ vào thứ Sáu (27/10), thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và số liệu GDP của Mỹ trong quý III vào thứ Năm (26/10).
Nếu dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến, điều này sẽ làm tăng mối lo ngại về việc nâng lãi suất trong cuộc họp ngày 1/11 tới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mặc dù hiện tại thị trường gần như không đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa do vẫn còn nhiều rủi ro địa chính trị leo thang.
Nhận định: về xu hướng giá dầu trong phiên giao dịch hôm nay đã có những dấu hiệu xác nhận đảo chiều giảm xuống dưới ngưỡng 87 USD/thùng. Có thể đây là dấu hiệu cho thấy giá sẽ hạ nhiệt khi các căng thẳng địa chính trị đã lắng xuống.
Tuy nhiên, động lực bán vẫn sẽ cần được xác nhận nếu giá phá vỡ được vùng hỗ trợ quan trọng 85 USD/thùng. 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)