Tại bang sản xuất hàng đầu của Brazil - Matto Grosso, Viện Kinh tế nông nghiệp Imea cho biết, tốc độ mùa vụ của bang đã đạt 60% diện tích được gieo sạ tính tới cuối tuần trước. Tình trạng khô hạn ở khu vực Cerrado đã khiến trì hoãn việc trồng trọt của nông dân. Đáng lưu ý là vùng thảo nguyên Cerrado vốn là khu vực mà Brazil mở rộng phần lớn diện tích canh tác đậu tương trong nhiều năm trở lại đây. Do vậy, thời tiết khô nóng và thiếu mưa khiến cây trồng bị khô héo đồng thời đe dọa năng suất đã đặt ra lo ngại về sản lượng đậu tương niên vụ mới của nước này. Đây sẽ là yếu tố góp phần hỗ trợ giá trung hạn khi mà những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu tại khu vực Nam Mỹ ngày càng rõ rệt hơn.
Tại Mỹ, mùa vụ hiện đang là giai đoạn cao điểm của vụ thu hoạch nên các lô hàng đậu tương liên tục được đẩy mạnh. Khối lượng giao hàng được ghi nhận trong 5 tuần báo cáo gần nhất đều cho thấy cải thiện so với các tuần trước đó. Tính đến ngày 12/10, lũy kế giao hàng từ đầu niên vụ vẫn duy trì ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt hơn 5,4 triệu tấn. Do vậy, nếu các số liệu chính thức được công bố trong báo cáo Export Inspections tối nay đạt trên mốc 1 triệu tấn thì đây không phải thông tin quá bất ngờ. Giá đậu tương khả năng vẫn sẽ được hỗ trợ nhờ xuất khẩu của Mỹ thuận lợi.

Giá cà phê có thể đảo chiều giảm trước áp lực kỹ thuật
Kết tuần 16/10-22/10, giá hai mặt hàng cà phê tăng mạnh lên mức cao nhất trong 2 tháng trước những khó khăn về nguồn cung tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu. Nguồn cung cà phê tại Việt Nam đã cạn kiệt khiến cho xuất khẩu tính đến 15/10 giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, khó khăn trong vận chuyển tại Brazil làm dấy lên lo ngại hạn chế xuất khẩu trong ngắn hạn.
Thời tiết đang là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với thị trường cà phê nói chung. Tại Brazil, lượng mưa cao hơn mức bình thường trong thời gian gần đây và dự kiến sẽ kéo dài trong thời gian tới tương đối thích hợp để cây cà phê đang trong giai đoạn ra hoa phát triển tốt. Tuy nhiên, mưa tiếp diễn và lan rộng sẽ tăng thêm khó khăn cho việc vận chuyển cà phê.
Các nhà xuất khẩu cà phê tại quốc gia này đang phàn nàn về tình trạng thiếu hụt xe tải và container để vận chuyển cà phê ra cảng. Hơn nữa, thời gian chờ tàu tại cảng cũng lâu hơn bình thường, làm ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng có thể xuất khẩu.
Tuy nhiên, trái ngược với lo ngại và tâm lý thận trọng trên thị trường, thống kê từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho thấy xuất khẩu vẫn đang tăng trưởng tích cực. Cụ thể, trong 20 ngày đầu tháng 10, quốc gia Nam Mỹ đã xuất đi 2,72 triệu bao cà phê, tăng 45% so với mức 1,88 triệu bao trong tháng trước. Trong đó, Arabica tiếp tục là mặt hàng đóng góp lớn nhất vào lực tăng với 2,17 triệu bao, cao hơn 60% so với mức 1,36 triệu bao trong cùng kỳ tháng 9.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đang ở mức thấp nhất trong 11 tháng với 421.424 bao loại 60kg. Trong khi đó, số bao chờ phân loại bổ sung vào các kho lưu trữ đã quay về con số 0. Đây là tín hiệu cho thấy dữ liệu tồn kho còn có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới và khả năng cao sẽ là yếu tố hỗ trợ đến giá.

Dự báo giá đồng giảm do tiêu thụ kém, kim loại quý có thể tăng trở lại
Trong ngắn hạn, tiêu thụ kém sắc tại Trung Quốc vẫn đang là cơn gió ngược đối với thị trường đồng. Lĩnh vực bất động sản tiêu thụ một lượng lớn đồng, ngày càng suy yếu và không có dấu hiệu cải thiện. Triển vọng tiêu thụ đồng vì thế cũng trở nên kém lạc quan. Với lực cản lớn từ yếu tố tiêu thụ, giá đồng có thể tiếp tục gặp sức ép trong tuần này.
Về yếu tố vĩ mô, nếu Chủ tịch FED tiếp tục cho thấy thái độ ôn hòa trong bài phát biểu vào rạng sáng thứ Năm tuần này, giống như các ý kiến từ tuần trước, kỳ vọng FED tạm ngừng tăng lãi suất càng được củng cố. Khi đó, đồng USD nhiều khả năng sẽ suy yếu sẽ lại là yếu tố hạn chế đà giảm của giá đồng.
Ngoài ra, Mỹ sẽ công bố số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sơ bộ và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của FED. Hiện tại, giới phân tích dự báo GDP quý III của Mỹ đạt 4,2%, trong khi chỉ số PCE dự kiến giảm xuống 3,7% trong tháng 9, hạ nhiệt từ mức tăng 3,9% ghi nhận hồi tháng 10. Nếu số liệu không tăng quá cao so với dự đoán, kỳ vọng FED ngừng tăng lãi suất sẽ vẫn được đảm bảo.

Giá dầu có thể tăng trở lại nếu xung đột địa chính trị leo thang
Những căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang tạm thời hạ nhiệt trước các nỗ lực ngoại giao từ phía Châu Âu và Mỹ. Điều này là nguyên nhân chính khiến giá dầu suy yếu đầu phiên giao dịch sáng nay.
Bên cạnh yếu tố địa chính trị, phiên hôm nay tạm thời không có dữ liệu vĩ mô nào đáng chú ý. Giá dầu nhiều khả năng cũng sẽ biến động giằng co trước khi đón nhận hàng loạt thông tin quan trọng trong tuần này. Tâm điểm sẽ là dữ liệu tăng trưởng GDP quý III của Mỹ và các phát biểu của Chủ tịch FED phiên ngày thứ Năm 26/10.
Mặc dù FED đang phát đi một số tín hiệu cho thấy sẽ tạm dừng tăng lãi suất, nhưng nếu tăng trưởng của Mỹ bứt phá mạnh mẽ hơn đáng kể so với kỳ vọng sẽ là cơ sở cho FED tiếp tục thắt chặt lâu hơn thời gian dự kiến. Khi đó, đồng USD tăng sẽ tiềm ẩn sức ép cho giá dầu.
Nhận định về xu hướng giá dầu trong phiên hôm nay có thể sẽ giằng co quanh vùng hỗ trợ 87 USD. Và với các thông tin cơ bản chưa rõ ràng, nhà đầu tư cần theo dõi thêm dựa trên các kịch bản khác nhau. Trong trường hợp giá quay lại vùng 87,5 USD sẽ tiếp tục kịch bản tăng lên 88,5 USD. Trong khi phá vỡ hỗ trợ 86,5 USD sẽ đưa giá về vùng 85,5 USD.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)