Trong báo cáo tối qua, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng ethanol của nước này trong tuần 14/10-20/10 đạt 1,04 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, đây là tuần đầu tiên tồn kho ethanol tăng, sau 3 tuần sụt giảm liên tiếp trước đó. Điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng ethanol tại Mỹ đã chững lại trong tuần vừa rồi, làm giảm khả năng hoạt động sản xuất ethanol sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới. Đây là một tín hiệu không mấy khả quan đối với nhu cầu tiêu thụ ngô ở Mỹ, khi đây là nguyên liệu để sản xuất ethanol.
Với việc nhu cầu nội địa chững lại, thị trường sẽ đổ dồn sự chú ý tới kết quả xuất khẩu của Mỹ, được phản ánh trong báo cáo Export Sales. Trước thềm công bố báo cáo, giới phân tích dự đoán khối lượng bán hàng ngô của Mỹ trong tuần 13/10-19/10 sẽ nằm trong khoảng 600.000-1.200.000 tấn, so với mức 881.345 tấn của một tuần trước đó. Trong bối cảnh hoạt động thu hoạch ngô ở Mỹ đã hoàn thành gần 60% kế hoạch, thị trường đang kỳ vọng các nhà sản xuất Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc bán hàng.
Hơn nữa, trong giai đoạn đánh giá cũng xuất hiện một đơn bán ngô lớn với khối lượng 200.000 tấn cho Mexico. Do đó chúng tôi cho rằng khối lượng bán hàng ngô trong báo cáo tối nay sẽ nằm trong khoảng dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, con số này cần có sự cải thiện đáng kể so với tuần trước để có thể giúp giá ngô đảo chiều tăng mạnh.
Nếu như số liệu bán hàng ngô trong báo cáo Export Sales tối nay cải thiện đáng kể so với tuần trước, giá ngô có thể giằng co quanh vùng 480 - 485. Ở kịch bản ngược lại, giá ngô nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng giảm từ những phiên trước đó.
Giá cà phê có thể tiếp tục suy yếu trước dữ liệu nguồn cung khởi sắc
Kết phiên 25/10, giá hai mặt hàng cà phê cùng giảm mạnh. Trong đó, giá Arabica mất hơn 3% sau khi đã chạm mức cao nhất trong 4 tháng. Giá Robusta có phiên giảm thứ 2 khi thấp hơn tham chiếu 1%. Điều chỉnh kỹ thuật sau khi đường RSI đi sâu vào vùng quá mua và xuất khẩu cà phê dạng hạt tại Brazil trong 24 ngày đầu tháng 10 tăng 70% so với tháng trước đã gây áp lực kép lên giá.
Sau hai phiên giảm mạnh đầu tuần khi mất 11.253 bao loại 60kg, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US kết phiên hôm qua với số lượng không đổi, duy trì tại mức 410.171 bao. Đây vẫn là mức cà phê lưu trữ thấp nhất trong gần 1 năm. Số bao cà phê chờ phân loại để bổ sung hiện tại vẫn là 0, do đó những diễn biến của số liệu tồn kho sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng tiêu thụ. Dù vậy, với số liệu xuất khẩu tích cực trong những ngày tháng 10 gần đây, kỳ vọng sẽ có một lượng bổ sung hàng tồn kho mới đến từ quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.
Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), trong 25 ngày đầu tháng 10, Brazil đã xuất đi 3,52 triệu bao cà phê, tăng mạnh so với mức 2,09 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước. Trong đó, đóng góp lớn nhất vẫn là sự bật lên của Arabica với 2,76 triệu bao đã xuất khẩu, tăng gần gấp đôi so với mức 1,43 triệu bao trong 25 ngày đầu tháng 9.
Hơn nữa, triển vọng nguồn cung cà phê trong vụ mới 2024/25 tại Brazil cũng dần được đánh giá tích cực hơn nhờ những cơn mưa gần đây. Mưa giúp độ ẩm được bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi để cây cà phê phát triển.
Giá kim loại quý vẫn còn động lực tăng, giá đồng có thể giảm
Thị trường kim loại quý tiếp tục nhận được lực mua tích cực trong phiên sáng, do nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông có xu hướng leo thang.
Điện Kremlin cho biết trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo tôn giáo Nga thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng xung đột Israel - Hamas có thể lan rộng ra ngoài Trung Đông, gây ra hậu quả nghiêm trọng, cực kỳ nguy hiểm và tàn khốc.
Tuy nhiên, xu hướng biến động của giá kim loại quý cũng có thể bị chi phối gián tiếp bởi loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ vào tối nay, đáng chú ý là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2023. Loạt dữ liệu gần đây đều chỉ ra rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn duy trì mạnh mẽ bất chấp môi trường lãi suất cao. Thị trường cũng đang kỳ vọng rằng GDP Mỹ trong quý III/2023 sẽ tăng 4,3% so với quý trước, gấp đôi mức tăng trưởng của quý II. GDP tích cực sẽ củng cố triển vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ, thúc đẩy đà tăng của đồng USD, hạn chế sức mua đối với kim loại quý.