Từ “đói” cung đến dư cung
Khoảng một tháng trước, giá dầu Brent vượt mốc 86 USD/thùng và chạm đỉnh 4 năm do tâm lý lo ngại rằng lệnh trừng phạt Iran của Mỹ sẽ khiến nguồn cung dầu toàn cầu thiếu hụt.
Sau đó, một loạt diễn biến mới xảy ra buộc thị trường phải đánh giá lại tình hình: sản lượng dầu của Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến, Arab Saudi tăng sản lượng lên sát mức kỷ lục, Nga và các nước sản xuất khác bắt đầu bơm dầu mạnh ra thị trường, và Mỹ cho phép 8 nền kinh tế tiếp tục mua dầu của Iran với số lượng hạn chế trong vòng 180 ngày.
Việc thị trường đột ngột dồi dào nguồn cung trở lại khiến giá dầu giảm mạnh theo. Tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu đang loanh quanh ở 60 USD/thùng đối với WTI và 70 USD/thùng đối với Brent.

Lệnh trừng phạt Iran có hiệu lực

Trước khi lệnh trừng phạt Iran có hiệu lực, giá dầu thô tăng mạnh và lượng đặt cược giá dầu lên 100 USD/thùng lên cao kỷ lục. Tuy nhiên, một ngày trước khi lệnh trừng phạt Iran có hiệu lực, Tổng thống Donald Trump công bố 8 quốc gia, vùng lãnh thổ được phép tiếp tục nhập khẩu dầu của quốc gia Trung Đông, khiến giá dầu “hạ nhiệt”. Với động thái này, xuất khẩu dầu của Iran có thể không giảm nhanh về 0 như kỳ vọng của chính quyền ông Trump, nhưng cũng sẽ giảm mạnh. 
Theo số liệu chính thức, xuất khẩu dầu của Iran trong tháng 10 giảm xuống dưới 1,8 triệu thùng/ngày từ mức 2,8 triệu thùng/ngày của tháng 4. Theo ước tính của giới chuyên gia tại Công ty Tư vấn FGE, con số này có thể tiếp tục giảm về 1,3 triệu thùng trong 6 tháng tới. 
“8 nền kinh tế không được tự do mua dầu từ Iran như họ muốn”, FGE cho biết. Theo đó, xuất khẩu dầu của Iran dự báo sẽ về dưới 1 triệu thùng/ngày trong năm 2019 và giá dầu sẽ tăng trở lại. 
Tuy nhiên, để chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như duy trì hoạt động xuất khẩu dầu, Iran quyết định bán dầu thô cho các công ty tư nhân để xuất khẩu kể từ cuối tháng 10. Số liệu từ trang tin điện tử của bộ năng lượng Iran SHANA cho biết nước này bán được 700.000 thùng dầu thô cho các công ty tư nhân trong ngày 11/11, với mức giá 64,97 USD/thùng.

Nhu cầu tiêu thụ sẽ suy yếu? 

Tháng 6, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga thống nhất sẽ nới lỏng thỏa thuận giảm sản lượng sau những áp lực mà ông Trump tạo ra nhằm hạn chế đà tăng của giá dầu. Khi lệnh trừng phạt Iran sắp có hiệu lực, Arab Saudi cam kết sẽ bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào về nguồn cung dầu và sau đó nước này đã tăng sản lượng lên gần mức kỷ lục 11 triệu thùng/ngày. 
Tuy nhiên, vương quốc này lại phải gặp vấn đề khi những bất ổn trong thương mại toàn cầu và thị trường tiền tệ mới nổi gây ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu. Kết quả là, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, ông Khalid Al-Falih, từng cảnh báo thị trường dầu có thể dư cung. “Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại có thể kéo giảm nhu cầu tiêu thụ dầu”. 
Ý kiến này được nhấn mạnh khi bộ phân nghiên cứu của OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới giảm xuống 1,36 triệu thùng/ngày trong năm 2019, từ mức 1,5 triệu thùng/ngày của năm nay. Kết thúc cuộc họp chính sách mới đây, OPEC+ cũng đánh tín hiệu có thể giảm nguồn cung dầu trong năm 2019. “Hội đồng đã xem xét lại tình hình cung – cầu dầu hiện nay và đưa ra lưu ý rằng tăng trưởng nguồn cung dầu năm 2019 có thể cao hơn nhu cầu của thị trường. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cũng có thể khiến khoảng cách cung – cầu dầu tăng mạnh”, theo thông cáo báo chí của tổ chức. 
Đồng thời, Arab Saudi cũng cho biết sẽ giảm xuất khẩu 500.000 thùng dầu/ngày trong tháng 12 so với tháng trước, do nhu cầu mua dầu của Arab có dấu hiệu suy yếu. Ngoài ra, nước này cũng sẽ giảm sản lượng trong nước. 
Công suất dự phòng hạn chế 
Thị trường dầu có thể dồi dào nguồn cung hơn so với một tháng trước nhưng mối quan tâm hiện nay là nguồn cung dầu mới sẽ đến từ đâu. Trong khi Mỹ có những giếng dầu đá phiến mới thì Arab Saudi có thể phải sử dụng đến phần công suất dự phòng vốn chỉ được sử dụng khi xảy ra gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng. Tuy nhiên, một khi phần công suất dự phòng này được đưa vào khai thác để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Iran, thị trường sẽ không còn nhiều dầu nếu xảy ra một đợt gián đoạn nguồn cung khác. 
“Điều mà chúng ta thấy cực kỳ lo sợ về thị trường dầu hiện nay là OPEC không có đủ công suất dự phòng”, chuyên gia Neil Beveridge tại công ty Bernstein cho biết. Ông Beveridge ước tính công suất dự phòng hiện chỉ xấp xỉ 1,3 triệu thùng dầu/ngày, chưa bằng 1% nhu cầu tiêu thụ của thế giới. 
Cũng theo ông, nếu tính đến rủi ro gián đoạn tại các nước Venezuela, Nigeria và Libya, và nếu Mỹ thành công trong tham vọng đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0, thế giới thiếu hụt dầu trầm trọng. Sản lượng dầu của Venezuela giảm mạnh từ 2 triệu thùng dầu/ngày xuống hiện còn 1,2 triệu thùng/ngày chỉ trong vòng 15 tháng qua. Có rất ít tín hiệu cho thấy nguồn cung sẽ giảm chậm lại. 
Giới đầu tư rút khỏi đặt cược dầu tăng giá 
Các quỹ đầu tư đi từ tâm lý lạc quan tới tâm lý bi quan vào giá dầu chỉ trong vài tuần qua. Các quỹ giao dịch dầu WTI đã giảm vị thế mua xuống thấp nhất một năm, trong khi vị thế mua đối với dầu Brent cũng xuống thấp nhất kể từ tháng 7. Tính chung, các quỹ đang nắm giữ một lượng vị thế tương đương với hơn 500 triệu thùng dầu, thấp hơn nhiều so với mức hơn 1 tỷ thùng mà họ từng có trong một số thời điểm của hai năm qua.
Đây là dấu hiệu cho thấy giá dầu sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt là khi các quỹ đang không có ý định mua vào.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích tin rằng, nếu xuất khẩu dầu của Iran giảm mạnh hơn kỳ vọng và nguồn cung tại một quốc gia khác bị gián đoạn, các quỹ sẽ ồ ạt mua trở lại và giá dầu sẽ phục hồi.
Nguồn: Phan Vũ/Người đồng hành, Financial Times, Reuters